Nguồn vốn ưu đãi trở thành động lực trong hành trình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong đợt bùng phát dịch tháng 5/2021, huyện Phú Lộc là địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID - 19, khi nơi đây có các ca nhiễm, nhiều nơi bị phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Nhận thấy được những khó khăn đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc tập trung mọi nguồn lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến tận hộ vay góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”.
Các phiên giao dịch tại các xã/thị trấn được thực hiện theo kế hoạch, nâng cao tinh thần và trách nhiệm trong việc phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của cấp trên; nhờ vậy nguồn vốn tín dụng chính sách đến kịp thời với các hộ gặp khó khăn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
|
NHCSXH huyện Phú Lộc đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các phiên giao dịch các tại xã, thị trấn. |
Gia đình bà Trương Thị Quýt (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trước đó, gia đình bà đã được vay 50 triệu đồng để trồng rừng. Sau đó, gia đình bà được xem xét, tạo điều kiện cho vay thêm 30 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi 200 con gà thả vườn. Đến nay, mỗi ngày gia đình bà thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày từ nguồn bán trứng và gà thịt nên gia đình bà đã vơi bơt đi phần nào khó khăn.
Cũng như gia đình bà Quýt, gia đình chị Phan Thị Cam (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) được NHCSXH huyện Phú Lộc hỗ trợ vay vốn khắc phục khó khăn. Giữa tháng 3/2021, chị được bình xét để lập hồ sơ vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Từ vốn vay, chị mua 40 con heo giống để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Dự kiến xuất chuồng sau 6 tháng nuôi, và thu lãi ròng là 30 triệu đồng.
Theo bà Lê Thanh Bình, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lộc, từ đầu năm đến nay, NHCSXH huyện Phú Lộc đã cho vay hơn 79 tỷ đồng, với 2.424 lượt khách hàng được vay vốn; với tổng dư nợ là 390,1 tỷ đồng. Nhờ những nguồn vốn này mà nhiều hộ gia đình có thể duy trì và phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống, giúp nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”.