Ly nông không ly hương
Xã Tân Hưng nằm ở phía bắc huyện Sóc Sơn, với hơn 11.200 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kết hợp làm nghề mộc, một số thì vẫn phải sang các vùng lân cận làm công ty, xí nghiệp. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, đời sống vật chất được nâng cao, có phần đóng góp quan trọng của vốn chính sách.
Chúng tôi tới thăm xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) khi anh cùng con trai đang hối hả hoàn thiện lô sản phẩm để kịp giao hàng. Anh Sỹ cho biết: “Thời gian đầu mở xưởng khó khăn trăm bề. Các mặt hàng còn thiếu thốn, con trai làm nghề thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên tôi phải “cầm tay chỉ việc” cho từng người. Nhưng cái khó nhất phải kể đến là thiếu vốn mua sắm máy móc, nguyên liệu…”.
Đang không biết xoay xở thế nào, gia đình anh Sỹ được NHCSXH huyện Sóc Sơn cho vay 20 triệu đồng vốn chương trình tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm. Nhờ được đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay xưởng mộc của 3 bố con anh Sỹ đang “ăn nên làm ra” ngày càng nhận được nhiều đơn hàng ở khắp các tỉnh gần xa. Mỗi năm gia đình anh cũng bỏ ra được hàng trăm triệu đồng.
Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách ở Tân Hưng là hơn 12,2 tỉ đồng, trong đó dư nợ lớn nhất là chương trình cho vay tạo việc làm, chương trình cho vay thoát nghèo và chương trình hộ cận nghèo. Bà Nguyễn Thị Quý - Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Tân Hưng - cho hay: “Hội liên hiệp xã đang trực tiếp quản lý 8 chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi. Nhờ thực hiện tốt công tác giải ngân, thu nợ nên các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua tổ chức hội liên hiệp phụ nữ không có nợ quá hạn”.
Dấu ấn trong từng góc cuộc sống
Ông Vũ Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cho biết: “Tính đến 30/4/2017, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH huyện Sóc Sơn đạt 311 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng (10%) so với thời điểm cuối năm 2016. NHCXH huyện đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn với tổng dư nợ 219 tỷ đồng với 15.540 lượt hộ dư nợ.”
Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ cao nhất lên đến 31,5 tỷ đồng 4.060 hộ vay, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ 67,4 tỷ đồng với 6.382 hộ vay, cải tạo trên 12.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, Chương trình cho hộ cận nghèo có dư nợ 53 tỷ đồng với 1.976 hộ vay...
Chất lượng tín dụng thường xuyên được quan tâm củng cố, nâng cao, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, công tác kiểm tra giám sát thường xuyên được triển khai dưới nhiều hình thức nhằm phát hiện kịp thời, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, củng cố các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch xã, đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ rủi ro, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội. Đến 30/4/2017, nợ quá hạn chiếm 0.04% và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0.06%.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới.
Từ những kết quả trên cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách đã có sự gắn kết tích cực, tham gia thiết thực vào các chương trình mục tiêu của huyện Sóc Sơn như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho thanh niên... góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện...