Chuyển từ “quản lý” sang “kiến tạo”: Đột phá trong sửa đổi Luật Đấu thầu

(PLVN) -Những ngày gần đây, nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu trở nên nóng, cho thấy có những vướng mắc cần khai thông. Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Tài chính khẳng định: Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp. 
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Tài chính

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, điểm cốt lõi trong tư duy lập pháp mới được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi là sự trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Họ sẽ được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu, trên nền tảng công khai, minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình – thay vì bị bó buộc bởi hệ thống thủ tục kiểm soát trước.

“Chúng tôi chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý chi tiết sang quản lý theo nguyên tắc. Luật sửa đổi là công cụ để giải phóng năng lực sáng tạo của các chủ thể, nhưng cũng yêu cầu họ chịu trách nhiệm tương ứng,” bà Lê nói.

Dự thảo lần này cũng cho phép triển khai nhiều cơ chế mới như: khoán chi cho nhiệm vụ khoa học, mua gom từ cá nhân – hộ gia đình, ưu đãi doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sử dụng phương pháp chấm điểm kỹ thuật thay vì chỉ xét giá thấp nhất. Những cải tiến này nhằm hướng tới lựa chọn nhà thầu “phù hợp nhất” thay vì “rẻ nhất”.

Tại phiên thảo luận ở Quốc Hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những bất cập trong Luật Đấu thầu và một số luật có liên quan, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải thay đổi tư duy lập pháp – từ “pháp luật quản lý” sang “pháp luật phục vụ và kiến tạo phát triển.

Một trong những băn khoăn lớn hiện nay là tình trạng phá giá thầu tràn lan có thể khiến Việt Nam vô tình trở thành điểm đến cho công nghệ lạc hậu mà Tổng Bí thư Tô Lâm từng cảnh báo.

Thừa nhận thực tế phương pháp xét giá thấp nhất vẫn đang phổ biến vì “dễ làm”, bà Lê khẳng định: “Chúng tôi đã đề xuất áp dụng phương pháp chấm điểm kỹ thuật kết hợp giá cho các gói thầu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là cách để khuyến khích công nghệ chất lượng ”.

Luật cũng mở đường cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài khoa học được quyền tự chủ trong lựa chọn nhà thầu – một bước tiến lớn trong cơ chế giao quyền.

Trên diễn đàn Quốc Hội, làm rõ một số nội dung trong Dự thảo Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tinh thần xuyên suốt trong quá trình sửa luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục và quy trình, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả, rút ngắn tiến độ thực hiện các gói thầu, dự án.

Đại biểu Trần Tuấn Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Phiên Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Luật Đấu thầu

Dự thảo Luật đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền... Để ngăn ngừa tình trạng này, dự thảo luật bổ sung các biện pháp như: Yêu cầu nhà thầu bỏ giá thấp phải cam kết bảo hành dài hạn, tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng, hoặc chấp nhận phạt nếu vi phạm tiến độ, chất lượng; làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia trong từng bước thực hiện đấu thầu; Áp dụng chế tài nghiêm khắc với các hành vi thông thầu, gian lận như cấm thầu, phạt hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Từ những bất cập thực tế đến yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu

Trong thực tế, có những quy định của Luật Đấu thầu đang tạo ra những băn khoăn và có thể có thể để “lọt” những nhà thầu chất lượng thấp. Chẳng hạn , từ ngày 1/1/2025, Luật Đấu thầu sửa đổi bắt buộc nhiều gói thầu phải áp dụng hình thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, tức là mở cùng lúc cả phần kỹ thuật và phần giá.

Trong khi trước đây, với hình thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, chủ đầu tư có thể đánh giá kỹ thuật trước, chỉ những nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật mới được xét tiếp phần giá. Vậy việc thay đổi hình thức này có dẫn đến nguy cơ phải lựa chọn nhà thầu có giá thấp, kể cả khi chất lượng kỹ thuật không cao, thay vì ưu tiên chất lượng rồi mới xét đến giá như trước kia hay không?

Trả lời về vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê cho biết: “ Trong giai đoạn thực hiện Luật Đấu thầu 2013, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ có nơi, có lúc bị lạm dụng: chủ đầu tư loại bỏ nhà thầu ngay từ bước đánh giá kỹ thuật, đến bước tài chính chỉ còn một nhà thầu, làm giảm cạnh tranh và tính minh bạch. Đó là lý do Luật Đấu thầu 2023 chuyển cơ bản sang phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp thông thường. Dù mở cùng lúc cả hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính, phương thức một túi vẫn bảo đảm nguyên tắc đánh giá tách bạch: chỉ nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật mới được đánh giá về tài chính. Tuy vậy, yếu tố giá có thể ảnh hưởng đến tâm lý của tổ chuyên gia khi đánh giá hồ sơ dự thầu, nên phương thức này chỉ phù hợp với gói thầu thông thường.

Luật Đấu thầu năm 2023 vẫn cho phép áp dụng hai túi hồ sơ đối với gói thầu yêu cầu kỹ thuật cao. Nhưng trên thực tế, tiêu chí này còn thiếu rõ ràng, gây lúng túng khi xác định. Có trường hợp do áp lực tiến độ, thủ tục một túi hồ sơ vẫn được áp dụng cho gói thầu có yêu cầu công nghệ đặc thù – tiềm ẩn rủi ro lựa chọn không tối ưu”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Hà Nội) phân tích: “Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định rõ việc làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ nhằm giúp bên mời thầu xác minh hoặc bổ sung thông tin cần thiết đã có để đánh giá hồ sơ, không phải là cơ hội để nhà thầu sửa sai, sửa đổi hoặc cải thiện hồ sơ đã nộp.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình “làm lại” hồ sơ sau khi đã đóng thầu thì bên mời thầu có quyền loại bỏ hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Tôi cho rằng Điều 28 về tinh thần là đúng, nhưng cần chỉnh sửa câu chữ và cấu trúc để giảm thiểu tranh cãi, đảm bảo minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu thầu – đặc biệt trong các gói thầu lớn, nơi việc làm rõ rất dễ bị biến tướng thành “làm lại”.

Theo bà Lê, để xử lý bất cập này, Luật Đấu thầu đang được đề xuất sửa đổi đồng bộ với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (trình cùng kỳ họp Quốc hội) nhằm áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ đối với gói thầu thuộc lĩnh vực công nghệ theo pháp luật khoa học, cũng như các gói thầu có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn câu hỏi đặt ra rằng, khi nhà thầu không nộp đủ tài liệu chứng minh ngay từ đầu mà bổ sung sau thời điểm đóng thầu, liệu chủ đầu tư có quyền loại hồ sơ đó hay không, và Luật Đấu thầu đã có quy định rõ ràng về vấn đề này chưa?

Trả lời vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê khẳng định: “Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn đã quy định về làm rõ hồ sơ dự thầu sau khi đóng thầu suốt nhiều năm qua. Đây cũng là cách làm phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

Chúng ta thấy rằng quá trình tổ chức đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu có năng lực và đề xuất giải pháp tốt nhất. Không nên biến cuộc thầu thành quá trình loại bỏ các nhà thầu tiềm năng, càng không nên vì những sơ suất mang tính hành chính mà bỏ qua những đề xuất tốt. Có những trường hợp làm rõ để bổ sung những thông tin về năng lực mà nhà thầu đã có như thiếu chứng chỉ, bằng cấp, giấy chứng nhận… Có trường hợp làm rõ về thông số của hàng hoá đã chào. Đó là những nội dung đã được quy định cụ thể tại Điều 28 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, các cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ lưỡng để phân định rõ đâu là vướng mắc do quy định pháp luật, đâu là bất cập trong tổ chức thực hiện. Đây là bước đi cần thiết nhằm bảo đảm việc sửa luật thực sự đi vào đúng bản chất vấn đề, tháo gỡ được những “nút thắt” từ thực tiễn thay vì chỉ chỉnh lý về mặt kỹ thuật hay hình thức.

Thanh Chương

Đọc thêm