Theo thống kê của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng tiêu thụ mỳ gói với 5 tỷ gói mỳ/năm, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 55 gói /năm. Điều này đồng nghĩa với sự hấp dẫn của lĩnh vực kinh doanh này, dẫn đến “miếng bánh” thị phần đang ngày càng bị xẻ nhỏ cho khoảng 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường mỳ ăn liền.
Những năm cuối của thế kỷ 20 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ và phủ sóng sâu rộng của thương hiệu mỳ tôm Miliket với hình ảnh 2 con tôm in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, 3 ông lớn khác đã nổi lên và chiếm dần sự phủ sóng của mỳ “2 con tôm” huyền thoại, đó là Acecook, Masan và Asia Foods với 70% thị phần.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lương thực - Thực phẩm Colusa -Miliket (đơn vị thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam), doanh thu thuần năm 2015 đạt 477,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 31,1 tỷ đồng, tăng 10,4 tỷ đồng so với năm 2014. Nhưng so với giai đoạn từ 2011 -2013 trở về trước, mức lợi nhận này lại thấp hơn rất nhiều.
Điều đáng nói, lợi nhuận này có được là nhờ giá nguyên liệu giảm và các quyết định cắt giảm chi phí của Công ty, chứ không phải do sản lượng hay doanh thu tăng. Thậm chí, các con số về sản lượng và doanh thu đều ghi nhận mức giảm, tỷ lệ nghịch với nó là số lượng tồn kho tại nhà phân phối ở mức cao, kèm theo đó là cuộc đua khuyến mại, giảm giá để cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành đã trực tiếp ảnh hưởng tới thị phần của Công ty này.
Trong các cuộc đua về chính sách giá, về các chương trình truyền thông, đâu đó không còn thấy bóng của Miliket nữa dù bản thân doanh nghiệp này đã có những động thái chuyển mình. Chiến lược giảm giá thành sản phẩm, chia nhỏ phân khúc thị trường, tập trung vào phân khúc thị trường giá rẻ với giá thành chưa đến 3.000đ/gói của Miliket có vẻ như không thực sự gây chú ý là bao khi các “ông lớn” khác cũng ào ạt đổ bộ về phân khúc này.
Hay như giữa một rừng các sản phẩm mỳ gói đa dạng về chủng loại, hương vị, bắt mắt về màu sắc bao bì, thì những thay đổi của “2 con tôm” dường như còn khá khiêm tốn. Thị trường đón nhận khá hời hợt 2 dòng sản phẩm mới của Miliket là sản phẩm giấy kiếng mang thương hiệu Colusa và sản phẩm giấy kiếng Lẩu Thái tôm. Cùng với đó là các sản phẩm chế biến khác như miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… cũng đã được Công ty tung ra liên tục nhằm tăng độ phủ cho dấu hiệu 2 tôm. Tuy nhiên có vẻ như tín hiệu khả quan cho việc bứt phá về doanh số vẫn còn là một “ẩn số” đối với doanh nghiệp này.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Colusa – Miliket trong năm nay, ban lãnh đạo đề ra một cách khá cẩn trọng là ở mức khoảng 28 tỷ đồng. Con số thấp hơn nhiều so với kết quả hoạt động kinh doanh trong năm trước đó và với những cố gắng chưa thật sự hiệu quả, có lẽ rất cần những bước đi, chiến lược mới để thúc đẩy thương hiệu một thời từng gắn bó với rất nhiều hộ gia đình.
Như Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, Miliket hiện thiếu cả 4 yếu tố đột phá để phát triển. Đó là vốn, công nghệ, sản phẩm mới và quảng cáo. Vì vậy, tham gia vào cuộc đua tranh quảng cáo không phải là cách để ông vua mỳ tôm tìm lại thời hoàng kim. Thậm chí, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, Colusa - Miliket nên tiếp tục đi ngược lại những gì mà các công ty mỳ gói lớn đang làm. Nên tập trung vào lợi thế “dấu hiệu được thương – 2 con tôm” với giá rẻ và an toàn để một lần nữa lập lại hình ảnh và thương hiệu của mình./.