Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận rất nhiều đơn tố giác về tội phạm của người dân với nội dung tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc đầu tư đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) như Bitcoin, Daycoin…, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây thiệt hại tài sản công dân.
Trên các diễn đàn mạng liên tục đăng tải, quảng bá giới thiệu các đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) với lãi suất cao, lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Mỗi gói đầu tư đồng tiền ảo trị giá lên tới hàng ngàn USD. Với quảng cáo này, nhiều cá nhân tham gia bằng cách dùng tiền thật để mua các gói tiền ảo và hy vọng trở nên giàu có trong một thời gian ngắn nếu các đồng tiền ảo tăng giá chóng mặt như Bitcoin.
|
Nội dung cảnh báo của CQĐT Công an TP. Đà Nẵng |
Người chơi được hưởng tiền lãi, không hề biết rằng số tiền lãi này được trích ra từ tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước (tương tự như tham gia mua hàng đa cấp). “Phương thức này, bên bán không có gì để bán, mà vẫn là bên bán hàng và thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc “lấy mỡ khách hàng trước, rán khách hàng sau” và cứ như vậy cho đến khi còn khách hàng tham gia mua tiền ảo. Dùng tiền ảo để làm một loại hàng hóa ảo thu tiền thật, mà bản thân chủ thể tham gia không hề hiểu bản chất của hệ thống tiền ảo này được tổ chức như thế nào và ai là chủ thể bán hàng ảo đó. Cách chơi này cùng bản chất với quan hệ tín dụng đen, đánh vào tâm lý hám lợi của người tham gia mua tiền ảo”, Cơ quan Cảnh sát điều tra phân tích.
Cũng theo CQĐT, chủ thể bán tiền ảo (nhà phát hành) không được xác định, khả năng tài chính của người bán không được chứng minh, không có cơ sở nào giám sát, các chủ thể sử dụng một loại tiền ảo không hề biết lãi suất mà mình được hưởng từ nguồn sản xuất nào. Tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và không có giá trị trong thanh toán ngoài những người tham gia giao dịch tiền ảo với nhau. Chủ thể ẩn danh bán cái không có, nhưng lại thu về tiền thật, tài sản thật của các chủ thể mua cái không có thật đó. Nhà phát hành có dùng khoản tiền thu được từ việc bán tiền ảo để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận hay không, hiện nay không thể xác định được vì Nhà nước không thể kiểm soát. Với phương thức này, nhiều phần tử xấu trong xã hội có thể lợi dụng giao dịch tiền ảo để thu về những khoản tiền lớn, hoặc lợi dụng giao dịch này để rửa tiền.
Như vậy, quan hệ tiền ảo chỉ được xác định bên bán và bên mua với giá cụ thể, mà chỉ người bán và người mua được biết, nhưng họ chỉ biết giá trị giao dịch, mà không biết và không cần biết danh tính của nhau. Quan hệ giữa bên mua và bên bán tiền ảo được bảo mật và không được pháp luật bảo hộ. Tính rủi ro phát sinh từ phương thức giao dịch này là rất lớn. Vì bên mua thanh toán bằng tiền thật, còn bên bán lại bán ra thứ tiền ảo, không cầm nắm được mà lại được lưu giữ trên mạng điện tử có mã số bảo mật. Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bị lộ, bị chiếm đoạt bởi những người rất giỏi về sử dụng máy tính. Hơn nữa, giá trị ảo trên mạng còn có thể bị thay đổi bởi người sử dụng internet ra lệnh sai về mã số. Tài khoản có thể bị mất, mà không có cơ quan nào bảo vệ, lợi ích của chủ thể là bên mua có thể bị xâm phạm, bị mất trắng.
Đáng nói, về việc đầu tư về tiền ảo, các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Hiện nay, Nhà nước chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm và quy định cụ thể về tiền kỹ thuật số (tiền ảo) và tài sản ảo, pháp luật cũng chưa có quy định và chế tài xử lý việc đầu tư tiền ảo. Do đó, việc người dân đầu tư vào tiền ảo nhưng không sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán thực tế ngoài xã hội nên không vi phạm pháp luật, tuy nhiên cũng không được pháp luật bảo hộ.