Đến dự có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích và làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng hai dự án luật này. Đồng thời, chỉ rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hai dự án luật trong đời sống xã hội nói chung, công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng. Từ thực tiễn công tác, Công an các đơn vị, địa phương cũng trao đổi thông tin, phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và những vấn đề cần được quan tâm, chú ý và đề xuất làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện 2 Dự án Luật.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì buổi toạ đàm. |
Về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Việc triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác Công an từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở đã cho thấy tính ưu việt của mô hình Công an bốn cấp. Đặc biệt, đóng góp chung vào thành tích đó, không thể không kể đến vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại các phường, xã, thị trấn (như Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố), là những “cánh tay nối dài” đã hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng Công an các cấp thời gian qua.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng việc triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác Công an từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở đã cho thấy tính ưu việt của mô hình Công an bốn cấp. |
Trước khi Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh, các lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố đã thực sự phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm, đi đầu của mình trong bảo vệ, giữ gìn môi trường an ninh, an toàn tại các thôn, bản, tổ dân phố được phân công phụ trách.
Tuy nhiên, chế độ chính sách cho lực lượng này còn thấp, một số quy định còn thiếu hoặc chồng chéo làm giảm hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Do vậy, để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của lực lượng này trong thực tiễn, kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ quy định cụ thể về mối quan hệ công tác, phối hợp cũng như thống nhất việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối và chế độ chính sách đối với lực lượng này.
Đối với dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu đều cho rằng Luật giao thông đường bộ năm 2008 không thể giải quyết có hiệu quả đồng thời cả 2 vấn đề lớn là trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Do đó, phải xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tách biệt với Luật Đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu, giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ động tham mưu của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc xây dựng 2 dự án luật và cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại biểu.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xây dựng hai dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo thực thi tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay.