Cử tri Bình Định kiến nghị tăng phụ cấp đối với cấp phó các hội đoàn thể ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng ngày 15/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri  sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. 
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐBQH tỉnh Bình Định; bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Tại hội nghị, bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã thông báo đến cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định cho biết, cử tri đánh giá cao kết quả của kỳ họp lần này với cách thức vô cùng linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, đoàn ĐBQH cũng đã tích cực tham gia, gửi gắm nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng của Mặt trận và cử tri trong tỉnh đến kỳ họp.

Cử tri cũng đồng tình về những đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong thời gian qua. Cử tri đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của Chính phủ và các Bộ, ngành sau chất vấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác chất vấn.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng một số luật hiện nay còn thiếu tính ổn định, lâu dài; chưa đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các văn bản dưới luật chưa được ban hành kịp thời cũng như có văn bản thiếu tính khả thi khi áp dụng trong thực tế. Do đó, Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; giám sát chặt chẽ việc ban hành các văn bản dưới luật để đảm bảo luật ban hành sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời cử tri tại hội nghị.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời cử tri tại hội nghị.

Theo kiến nghị của Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cử tri cũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng quan tâm phân bố vắc xin phòng Covid-19 để đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho người dân tỉnh Bình Định, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi.

Hiện nay, mô hình bệnh tật xuất hiện các dịch bệnh mới, các dịch bệnh cũ lại bùng phát, bệnh không lây nhiễm ngày càng nhiều và phổ biến. Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm ban hành Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2022 - 2030, nhằm duy trì mức sinh thay thế, nâng cao năng suất lực quản lý kiểm soát bệnh tật, chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong ở một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là tuyến cơ sở; có định mức về nhân lực cho y tế tuyến xã phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời quy định thống nhất chính sách ưu đãi đặc thù, thu hút với bác sĩ, dược sĩ đại học để các địa phương dễ thực hiện.

Đồng thời, Quốc hội cần sớm nghiên cứu ban hành: Luật Dân số, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) phù hợp thực tế, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và đáp ứng yêu cầu của công tác dân số hiện nay cũng như tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

Sau kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa XV, một số kiến nghị về tài chính, đầu tư cũng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đề cập đến. Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cần xem xét, tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ địa phương đối với việc bổ sung cân đối từ ngân sách Trung Ương cũng như các chính sách ban hành trong kỳ ổn định ngân sách chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định.

Bên cạnh đó, sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính về quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, ngoài việc góp phần giảm hồ sơ, thủ tục cho công tác đấu thầu, tiết kiệm chi phí và nhân lực so với việc đấu thầu riêng lẻ từng cơ quan, đơn vị thì vẫn còn một số bất cập làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc của cơ quan, đơn vị, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.

Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh danh mục tài sản mua sắm tập trung cho phù hợp; đối với những tài sản có giá trị nhỏ, có tính riêng lẻ, tính đặc thù theo yêu cầu của công tác, giao cho cơ quan, đơn vị tự mua sắm, nhằm đáp ứng kịp thời tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo quy định và hiệu quả công việc.

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngoài việc đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 24 hồ chứa thì ngân sách không cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư sửa chữa hết các công trình còn lại trong giai đoạn 2021 - 2025 (36 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, không đủ dung tích để cung cấp nước phục vụ sản xuất và không đảm bảo an toàn cho bể chứa). Qua đây, cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp cấp bách 21 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, đảm bảo cho công tác an toàn hồ chứa.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xác định, khoanh vùng cụ thể để cắm mốc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định, để địa phương chủ động trong việc quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời sớm triển khai xây dựng tuyến đường này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay chế độ phụ cấp đối với một số chức danh hoạt động không chuyên trách, cấp phó các hội đoàn thể ở cơ sở (như MTTQ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh... và cán bộ làm công tác của hội, đoàn thể ở thôn, khu dân cư) còn quá thấp so với tình hình thực tế. Cử tri đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh tăng phụ cấp cho các đối tượng này (đây là đội ngũ gần dân, sát việc, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh).

Để thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2021 - 2025, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xem xét, chỉ đạo ngành chức năng sớm bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh để tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trong thời gian tới; đồng thời điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình hiện nay. (Theo điều 3 Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phá dỡ để xây mới nhà; Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở).

Bộ Tài chính hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng hàng chục căn nhà đại đoàn kết.

Bộ Tài chính hỗ trợ tỉnh Bình Định xây dựng hàng chục căn nhà đại đoàn kết.

Dịp này, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã hỗ trợ tỉnh Bình Định 2,5 tỷ đồng xây dựng 50 căn nhà đại đoàn kết giúp những gia đình khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống, đồng thời trao tặng tỉnh Bình Định 50.000 bộ kít xét nghiệm COVID-19 để góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải đáp một số kiến nghị của cử tri

Thứ nhất, về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề không chỉ riêng tỉnh Bình Định mà là cả nước và đặc biệt là các tỉnh miền Trung. “Hồ chứa nước, đập chứa nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng.

Vừa rồi Quốc hội định đưa vấn đề hồ đập vào chương trình của kỳ họp lần thứ 2 nhưng sau đó đã cân nhắc lại và bỏ ra. Và chắc chắn đối với vấn đề về hồ chứa nước thủy lợi, Chính phủ sẽ phải có một chương trình hết sức cụ thể để đảm bảo an toàn hồ đập cho các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung đảm bảo sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ đời sống dân sinh”

Thứ hai, liên quan đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết toàn bộ 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần và sẽ dùng nguồn vốn đầu tư công để đầu tư toàn bộ 12 dự án này. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 148.400 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, đấu nối tuyến đường cao tốc này, Nhà nước sẽ xây dựng các trạm thu phí và tiến hành đấu thầu dịch vụ thu phí trong thời gian khoảng 7 năm, để hoàn trả nguồn vốn khoảng 17.000 tỉ đồng. Đối với tuyến cao tốc đoạn đi qua tỉnh Bình Định dài khoảng 70km đã được phê duyệt đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tuyến đường cao tốc này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2024.

Thứ ba, về việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất sử dụng ngân sách mua lại 8 trạm thu phí BOT gặp vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương nên chưa thể thu phí, hoặc thu phí không đúng phương án tài chính nên không thể hoàn vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đề xuất này không khả thi. Bởi khi mua lại 8 dự án này thì phụ thuộc nhiều vào ngân sách, thứ hai nó không đúng quy định pháp luật, pháp luật về đầu tư công không có quy định về việc mua lại dự án mà nhà đầu tư đã triển khai thực hiện. Tới đây, phải hoàn thiện lại các quy định, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư tiếp tục kinh doanh.

Cuối cùng, về cơ chế hoạt động của các hội có tính chất đặc thù, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận hội có tính chất đặc thù, đồng thời quyết định về hỗ trợ kinh phí cho các hội này, tùy vào điều kiện ngân sách của các địa phương. “Đối với các hội có tính chất đặc thù, Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế tài chính, không có quy định chỉ tiêu về viên chức”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm.

Đọc thêm