Cụ thể, 2 bên sẽ hợp tác đầu tư khu Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus với với công suất 30 – 40 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng, sự kiện này đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển và thu hút đầu tư tại khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park), hướng tới việc đầu tư một khu công nghệ thông tin trọng điểm của cả nước, theo định hướng của Bộ chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
“Cam kết bước đầu của hai bên là bằng tất cả nỗ lực của mình nhanh chóng hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để có thể triển khai được dự án trong năm 2022 và đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024. Có thể nói, đây là một dự án hết sức có ý nghĩa với Danang IT Park và chúng tôi cũng cho rằng Infracrowd cũng có những lí do của mình khi quyết định hợp tác với Danang IT Park, một đối tác tại Việt Nam, một điểm đến hết sức lý tưởng để đầu tư phát triển Data Center”, ông Huy chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin phát biểu tại sự kiện |
Theo ông John Lee, Tổng giám đốc quỹ đầu tư Infracrowd Capital cho biết, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm ngoái (2020) và được dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 14,64% cho đến năm 2026.
Ông John Lee nhận định, sự chuyển dịch mạnh mẽ của dữ liệu doanh nghiệp sang trung tâm lưu trữ “đám mây” (Cloud) sẽ thúc đẩy hơn nữa thị trường data center tại Việt Nam và thúc đẩy nền kinh tế số. Việc áp dụng trung tâm lưu trữ “đám mây” cũng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ với tỷ trọng chiếm khoảng hơn 96% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phát triển trong chiến lược và hành trình chuyển đổi số.
“Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, các dự án năng lượng tái tạo tại đây được coi là một trong những dự án thành công nhất trong khu vực. Khả năng kết hợp các hoạt động sử dụng nhiều năng lượng như trung tâm dữ liệu với năng lượng tái tạo là một lĩnh vực quan trọng mà chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông John Lee nhận định.
Tại sự kiện, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, việc hợp tác này là tín hiệu rất tốt không chỉ riêng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của Trung Nam EMS, Danang IT Park mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc thu hút đầu tư vào thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. “Tôi đánh giá rất cao các dự án này và hy vọng sẽ còn nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung đến thành phố Đà Nẵng để thành lập doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh”, bà Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ký kết hợp tác đầu tư xây dựng Data Center, tại sự kiện, nhà máy công nghệ cao Trungnam EMS cũng đã ký hợp tác chiến lược với đối tác Xelex về việc tác sản xuất 100.000 sản phẩm máy tính bảng phục vụ hỗ trợ cho các em học sinh có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” của bộ Thông tin và Truyền thông phát động.
|
Hiện tại, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng có 5 nhà máy quy mô lớn đang dần hình thành và sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2022 |
Theo đại diện Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng có 5 nhà máy quy mô lớn từ 4.000 – 6.000m2/sàn đang dần hình thành và sẽ đi vào hoạt động trong Quý I/2022 này. Ngoài ra, dự án Khu chuyên gia và công viên sinh thái dịch vụ như 64 căn biệt thự, 33 biệt thự sườn đồi, khu thể thao, club house, khu công viên trung tâm….cũng đang trong giai đoạn đi vào hoàn thiện.
Cũng theo Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng, sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy công nghệ cao Trungnam EMS đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ, có thể sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, đạt được sự tin tưởng và công nhận của các đối tác trong nước và quốc tế. Nhà máy cũng đã ký kết một đơn hàng với đối tác Mỹ trị giá 200 tỷ đồng, sản xuất trong vòng 6 tháng.
Sắp tới, trong 2022 tới, nhà máy Trungnam EMS dự kiến đưa vào vận hành 2 máy trong phân khu A2 với 20 line SMT, tạo công ăn việc làm cho 1000 -2000 lao động. Hiện nay, để chạy kịp với các đơn hàng ngày càng nhiều từ các đối tác, nhà máy cũng đang tăng cường tuyển dụng nhân sự để đào tạo, sớm làm quen với thiết bị công nghệ cao để tham gia, đóng góp vào hoạt động của nhà máy.
“Đối với giai đoạn 1, khu CNTT tập trung Đà Nẵng cũng xin cấp thêm nguồn điện dự phòng để đảm bảo nguồn điện cho các dự án đã đưa vào vận hành khai thác, đặc biệt trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư các trung tâm dữ liệu. Giai đoạn 2 thì doanh nghiệp đã đề nghị hoàn tất thu hồi, giao đất để tiến hành đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay giai đoạn 1 cũng không thể vận hành độc lập vì thiếu các khu hạ tầng kỹ thuật như khu xử lí nước thải, khu công trình kỹ thuật đầu mối, các phân khu chức năng cũng khó kêu gọi đầu tư. Ngoài ra việc triển khai thi công giai đoạn 2 chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy, khu TT dữ liệu, các khu khác đang vận hành và khai thác”, ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng thông tin thêm.