Người già héo hon trong trại dưỡng lão

(PLO) - “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” thế nhưng có nhiều cha mẹ già cũng không được hưởng phúc con cái kể công nuôi dưỡng mà phải vào trại dưỡng lão. Đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mới thấy hết nỗi buồn sâu nặng nhất nhân gian này.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Trong các trại dưỡng lão, mỗi cụ vào đây có một hoàn cảnh, nhưng nhìn chung đều do con cháu bận rộn quá nên không có thời gian chăm sóc. “Dù sao ở đây người ta cũng tận tình, mới cả có người nói chuyện cũng đỡ buồn, còn hơn ở nhà với cái tivi, khi thì mình xem nó, khi thì nó xem mình’’ - cụ Minh (Gia Lâm, Hà Nội)  ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Phù Đổng nửa đùa nói.  
Cụ chỉ có một người con gái, chị đi lấy chồng nhưng chồng gia trưởng, mỗi lần về thăm là mặt nặng mày nhẹ nên cụ bảo đưa cụ về đây để chẳng phiền ai. “Khổ lắm cháu ạ, con gái là con người ta, có về ăn cơm với mẹ mà cũng phải lén lút, sợ chồng biết nó lại tưởng giấu gì đem về cho mẹ’’. Nói đến đây cụ rưng rưng, hẳn nhiên là xót đứa con gái duy nhất của mình.
Trung tâm nằm xa ngoại thành, với khuôn viên rộng và không gian yên tĩnh, tại đây các cụ được nghỉ ngơi, thư giãn. Có cụ đã trở thành bạn thân của nhau sau những buổi Trung tâm tổ chức các buổi giao lưu tại phòng lớn vào mỗi thứ hai hàng tuần. Các cụ được trao đổi về suy nghĩ của mình, kể những câu chuyện của mình và được đưa ra ý kiến nhận xét về thái độ chăm sóc của các nhân viên nơi đây.
Dù ở đây các cụ được chăm sóc tận tình nhưng “trẻ cậy cha, già cậy con’’. Thứ tình cảm máu mủ ruột già hẳn là thứ các cụ cần lắm, thèm lắm vì khi nhắc đến con cái, tự hào khoe con nghiệp lớn là vậy, cười chảy nước mắt trước những câu chuyện về gia đình là vậy, nhưng sau đó là cả những đắng đót khiến chúng tôi lặng người bởi những hy họng sum vầy trở nên khô đắng trong lòng họ.
Vừa rồi, Hà Nội mưa nhiều ngày, câu chuyện của các cụ có thêm chủ đề rằng liệu con cái có bị lạnh, bị ốm không, có biết chữa mẹo bệnh nọ bệnh kia không. Cụ Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức có đứa cháu bị dị ứng thời tiết, ngày còn ở nhà, mỗi tối cụ hay giã một bát hành nhỏ để bên cạnh gối cho cháu thông mũi, dễ thở thì trăn trở: “Chẳng biết bố mẹ nó có biết đường làm không, hay lại cứ bắt nó uống đủ loại thuốc. Khổ, cứ thay đổi thời tiết là nó lại gầy rạc người vì kháng sinh’’.
Qua câu chuyện, chúng tôi động viên các cụ an tâm, các cô chú sẽ biết phải làm gì, các cụ nên mặc thêm áo ấm sẽ tốt hơn và thật xót xa khi chúng tôi nhận được câu trả lời giữa đám đông: “Có khi chết sớm được cũng tốt con ạ. Thành thử chúng nó lại đỡ mất mấy chục triệu cho cái thân già chẳng hơn người dưng là mấy’’. Cả đám đông như lặng đi… 
Cũng lạ, số tiền bỏ ra khi đưa các cụ vào đây cũng không phải là nhỏ, tại sao nhiều người không thể để các cụ được gần con cháu, nếu quá bận rộn có thể tìm người giúp việc? Đành rằng các trung tâm chăm sóc này luôn có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và nhiệt tình, nhưng việc “khoán trắng’’ các cụ cho các trung tâm thật sự không phải là một phương án hay. Phải chăng cái “trách nhiệm’’ và “nghĩa vụ’’ đã bị nhận thức sai? 
Nhiều người ví von “người già là vật báu trong nhà”, nhưng điều đó có còn đúng khi mà nhiều người chỉ xem người già là “ông khốt, bà khốt” rắc rối? Nhịp sống càng gấp gáp, xã hội càng phát triển thì người già bị đẩy ra khỏi gia đình cũng ngày càng nhiều. Lại thêm những nghịch lý nhà có điều kiện thì mới được vào viện dưỡng lão, để khi “tống” được các cụ vào rồi thì gần như chả mấy khi con cháu thăm nom. 
Có những cái tết đoàn viên thì cũng là các cụ “trong trại” đoàn viên với nhau. Và việc cho cha mẹ nghỉ ngơi ở viện dưỡng lão trở thành mặt trái của nhận thức về báo hiếu nhiều hơn là một hình thức cách tân trong nâng cấp đời sống tuổi già…

Đọc thêm