Đánh mất tuổi thanh xuân vì giúp tội phạm nước ngoài lừa người Việt

(PLO) - Họ không ngờ vì lợi ích cá nhân trước mắt của mình mà bao người Việt bị lừa hàng tỷ đồng còn bản thân họ phải chịu sự trừng trị của pháp luật.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Vũ Văn Đại (SN 1991, Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) là con út trong một gia đình có 3 anh chị em. Cũng như bạn bè cùng trang lứa, Đại được cha mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Thế nhưng sau khi ra trường, Đại không tìm được công việc ổn định. Để có tiền chi tiêu, Đại nhận phiên dịch tiếng Trung cho người nước ngoài.

Tháng 4/2014, thông qua facebook, nhóm “việc làm tiếng Trung”, Đại nhận phiên dịch cho Liu Chang Ming và Tsou Jui Cheng người Đài Loan (Trung Quốc). Trong quá trình làm phiên dịch cho Ming và Cheng, Đại được họ đặt vấn đề làm giúp thẻ thanh toán quốc tế của hai ngân hàng với giá 5.000 đài tệ (tương đương 3.400.000 đồng). Nghe vậy Đại thắc mắc thì được giải thích: làm thẻ để bán cho các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam.

Sau khi được đồng ý, Ming, Cheng hướng dẫn Đại cách dùng chứng minh thư của nhiều người khác nhau để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking, dùng số điện thoại mở thẻ… Nghĩ công việc dễ dàng lại có nhiều tiền, Đại kéo thêm Nguyễn Trọng Đức (SN 1989, Văn Chấn, Yên Bái) vào đường dây của mình. Theo đó, Đại trả Đức 200.000 đồng/thẻ ngân hàng.

Để có nhiều tiền, Đại và Đức bàn nhau đi tìm mua lại chứng minh thư nhân dân ở các cửa hàng cầm đồ. Có được chứng minh thư trong tay, Đại, Đức dùng thủ thuật thay ảnh… “hô biến” thành chứng minh thư nhân dân hợp pháp để đi mở tài khoản, làm thẻ ngân hàng.

Đại và Đức không làm hết việc nên lôi kéo thêm Nguyễn Xuân Độ (SN 1990, Sơn Dương, Tuyên Quang) vào đường dây. Được sự cho phép của Đại, Độ rủ thêm anh em Trần Nguyên Bình và Trần Xuân Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) cùng tham gia mở tài khoản ngân hàng. Bằng thủ đoạn thay, dán ảnh khác vào các chứng minh thư thật mua được ở ngoài xã hội, nhóm của Đại đã mở được 146 tài khoản ngân hàng làm thẻ thanh toán quốc tế. Sau đó họ bán lại cho Ming và Cheng thu lợi gần 500 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Đại và nhóm của mình không ngờ Ming và Cheng đã dùng một số thẻ  ngân hàng trên để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều người Việt. Theo đó nhóm của Ming, Cheng cho người gọi điện đến số điện thoại cố định của một số gia đình nói về việc nợ cước điện thoại, sau đó dẫn dắt người bị hại nói chuyện với cán bộ công an để trình bày.

Khi được nối máy với cán bộ công an (do người của Cheng, Ming giả danh), người bị hại được công an cho biết mình có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia… Để chứng minh sự trong sạch của mình, họ phải nộp tiền vào tài khoản do bọn chúng yêu cầu, nếu không liên quan sẽ được trả lại tiền. Tưởng thật, những người bị gọi điện đến nhà "dọa nạt" vội vã ra ngân hàng rút tiền để chuyển khoản cho bọn chúng. Có nạn nhân chuyển cả tỷ đồng vào nhiều tài khoản khác nhau cho bọn lừa đảo. Đến khi phát hiện mình bị lừa thì số tiền kia đã “biến mất” cùng nhóm công an giả danh kia. Đau đớn, họ vội vã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Sau khi biết thông tin nhiều người bị nhóm người Đài Loan gọi điện giả danh công an lừa đảo người Việt chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt có cách thức giống mình, Đại, Đức vội dừng việc làm thẻ cho Ming và Cheng.

Trước vành móng ngựa, Đại, Đức cho biết mình rất hối hận vì đã giúp người nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người Việt. Thế nhưng sự ăn năn ấy đã quá muộn. Bởi với những hành vi vi phạm trên, HĐXX TAND TP. Hà Nội trong phiên xét xử ngày 15/9 đã tuyên phạt Đại 4 năm 6 tháng tù giam về tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các bị cáo Đức, Hòa, Bình và Độ lĩnh mức án từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù giam cùng về tội danh trên.