Dấu ấn “Ngày Chủ nhật xanh” ở Thừa Thiên - Huế

(PLVN) - Sau 13 tháng phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, đông đảo người dân Cố đô Huế đã tích cực tham gia và trở thành hành động, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà; qua đó đã góp phần rất lớn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng người dân xã Nhâm, huyện A Lưới làm tuyến đường hoa.
Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng người dân xã Nhâm, huyện A Lưới làm tuyến đường hoa.

Trong chuyến làm việc với Huế gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Phải làm gì đó để gây ấn tượng thu hút phát triển bền vững Cố đô Huế. Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần mà tỉnh đang thực hiện là điểm mới và điển hình cần nhân rộng”.

Nhiều mô hình đã đi vào cuộc sống

Hơn một năm trước, ngày 20/1/2019, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được phát động với chủ đề: “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng”. Phong trào có mục đích nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng sáng, xanh, sạch, không rác thải hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Sau hơn 1 năm triển khai đề án, phong trào đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 50 đợt ra quân với khoảng 70 vạn lượt người tham gia. Từ phong trào, nhiều mô hình được nhân rộng, mang lại hiệu quả cao, qua đó thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác thải, bóc tách hàng trăm nghìn điểm quảng cáo, rao vặt sai quy định.

Phong trào còn tổ chức trồng và chăm sóc hàng trăm nghìn cây xanh tại các điểm công cộng. Cơ quan, trường học, bệnh viện xanh - sạch - đẹp - sáng được hình thành. Hiện tất cả 47 phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hàng tuần đều triển khai đội hình ra quân lập lại trật tự đô thị với hơn 2.000 đợt ra quân thu hút gần 20.000 lượt người tham gia với các việc như lập lại trật tự vỉa hè lề đường, phân làn giao thông và đậu đỗ xe đúng quy định, bóc tách các bảng quảng cáo dán sai. Hơn 120.000 cây xanh các loại được trồng và chăm sóc tại các tuyến đường liên thôn, xóm của 152 phường, xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, ngụ đường Thái Phiên, phường Tây Lộc) chia sẻ: “Được sự tuyên truyền, vận động từ địa phương, người dân chúng tôi nhận thấy được hiệu quả thiết thực từ đề án. Vì thế, ai nấy đều hào hứng, đa phần tự giác thực hiện, mong Huế được “xanh, sạch, sáng”. Qua đó đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Làm sạch tuyến đường, khu phố cũng là làm sạch cho ngôi nhà, môi trường của chính mình”.

Phong trào có nhiều mô hình như mô hình “Huế - TP 4 mùa hoa”, các địa phương trồng hoa trong lốp ôtô; xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, bồn hoa tại các cơ quan, trường học, bệnh viện. Mô hình “Dòng Hương trong xanh” được Câu lạc bộ “Cảm ơn dòng Hương” phối hợp tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom hàng chục tấn rác thải các loại, bèo tây, làm vệ sinh sạch đẹp tại các công viên hai bên bờ sông Hương.

Riêng việc thực hiện “Chống rác thải nhựa, nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần” đã có sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả tỉnh. Đến nay, hầu hết tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trường học không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn; vận động nhân dân phân loại rác thải tại nhà, không vứt rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn, quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. 

Hướng tới thay đổi nhận thức của người dân

Theo sự đánh giá của UBND Thừa Thiên - Huế, “Ngày Chủ nhật xanh” không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường mà điều quan trọng, phong trào hướng tới là thay đổi nhận thức của người dân, để người dân thật sự là chủ nhân của phong trào. Chưa bao giờ có một phong trào nào mà tỉnh đón nhận được sự đồng thuận cao của người dân đến như vậy. 

Giờ đây, đến nhiều cơ quan, công sở ở Thừa Thiên - Huế, dễ nhìn thấy là những chai thủy tinh đựng nước trên bàn ở phòng họp, phòng làm việc thay cho chai nhựa như trước đây. Còn tại nhiều siêu thị, chợ, việc sử dụng giấy báo, lá cây gói hàng thay cho túi nilon cũng đã được triển khai. Nhiều con đường  trước đây cỏ dại mọc um tùm, tụ điểm đổ  rác thải rất mất vệ sinh là nơi phát sinh ruồi muỗi thì nay đã là những tuyến đường hoa được trồng ngay ngắn và rất đẹp mắt.

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên - Huế.
 Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên - Huế.

Ngoài kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, địa phương này, còn công khai những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường và các hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh đã xây dựng chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường. Việc xử phạt hành chính bao gồm hình thức cả phạt “nguội” thông qua hình ảnh ghi được tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. 

Tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện đề án, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu mong rằng không chỉ năm 2020 mà những năm tới, phong trào tiếp tục được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ, qua đó tạo không khí mới cho giai đoạn phát triển của tỉnh theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: “Khi triển khai, nhiều người hỏi tôi, liệu phong trào này sẽ lụi tắt sau vài tháng triển khai như các phong trào khác hay không? Tôi đã khẳng định không có chuyện đó xảy ra”. 

Theo ông Thọ, cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, vận động, triển khai các mô hình để phong trào ngày càng đi vào thực chất.

Ông Thọ nói: “Thừa Thiên - Huế đã và đang nâng cao vị thế trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế thông qua những phong trào, hoạt động tích cực hướng đến bảo vệ môi trường. Tôi không mong Huế có thể sánh vai cùng Singapore nhưng tôi muốn làm thay đổi nhận thức của người dân, đưa Huế trở thành một địa phương kiểu mẫu về môi trường, một quê hương bình an và hạnh phúc. Giá trị ấy được tỏa sáng trong một không gian xanh - sạch - sáng”.

Đọc thêm