Đề nghị lập thêm các văn phòng thừa phát lại

(PLO) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 8 văn phòng thừa phát lại (TPL), dù đạt những kết quả ban đầu song hoạt động của TPL còn những khó khăn, trên cả lĩnh vực xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án; tống đạt văn bản cũng như lập vi bằng. 
Thừa phát lại đang tư vấn cho người dân.

Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, các văn phòng TPL trên địa bàn đã tống đạt  24.051 văn bản của tòa án; doanh thu: 526.878.000 đồng; đã tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án là 1.097 văn bản; doanh thu 101.155.000 đồng. 06 tháng đầu năm, các văn phòng TPL đã lập 1.212 vi bằng; doanh thu 5.470.000.000 đồng. Hiện nay, Văn phòng TPL Hà Nội đang thụ lý, giải quyết 03 vụ thi hành án theo đơn của đương sự; Văn phòng TPL Hà Đông đang thực hiện 02 vụ từ năm 2015; Văn phòng TPL Ba Đình đang thực hiện 04 vụ từ năm 2015. Tuy nhiên, các Văn phòng TPL chưa có việc xác minh điều kiện thi hành án.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, hoạt động của TPL cũng còn nhiều khó khăn. Về quy định của pháp luật: Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, nhưng các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của TPL đều đang quy định áp dụng trong thời gian thí điểm, trong khi theo Nghị quyết 107/2015/QH13 thì từ 01/01/2016 đã “chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước”.  Công tác tuyên truyền về TPL chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, các Văn phòng TPL trên địa bàn thành phố cũng chưa chủ động trong công tác truyền thông về hoạt động của TPL do điều kiện tài chính còn khó khăn.

Đặc biệt, trong xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án: Một số cơ quan, UBND, Công an xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức chưa hiểu biết nhiều về TPL nên công tác phối hợp  gặp rất nhiều khó khăn. Không ít trường hợp cán bộ, công chức đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL. Đặc biệt phổ biến là việc chưa hợp tác, kéo dài thời gian thực hiện yêu cầu của TPL trong việc phối hợp thi hành án. Việc tổ chức thi hành án còn ít, do tâm lý của người có yêu cầu thi hành án cho rằng TPL không phải là cơ quan nhà nước, không đảm bảo việc tổ chức thi hành án.

Trong tống đạt văn bản: do địa chỉ không chính xác, thậm chí không tồn tại trên thực tế nên khó tống đạt văn bản; một số người từ chối không xác nhận dẫn đến việc lập biên bản tống đạt không thành gặp khó khăn. Trường hợp Tòa án yêu cầu Văn phòng thực hiện niêm yết văn bản, nhưng một số địa phương giữ nguyên tắc đủ 15 ngày mới trả được kết quả trong khi thời hạn trả kết quả tống đạt cho Tòa án chỉ có 03 ngày; việc thanh toán chi phí tống đạt của Cơ quan thi hành án dân sự chậm do kinh phí năm 2016 chưa có.

Còn trong lập vi bằng, sự hiểu biết của người dân về vi bằng còn hạn chế, chưa có thói quen tạo lập chứng cứ, lưu trữ các văn bản, tài liệu trong các giao dịch của mình, khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại thì các bên mới tìm cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Quy định của pháp luật cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, do đó TPL gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng dịch vụ lập vi bằng.

Để nâng cao hiệu quả TPL, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, số 135/2013/NĐ-CP  cho phù hợp (hiện nay đã kết thúc thí điểm chế định TPL); bổ sung các nội dung của 02 Nghị định để làm cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các TPL sau thí điểm; phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn về kinh phí tống đạt để tạo điều kiện cho các văn phòng TPL thực hiện nhiệm vụ tống đạt văn bản.

Với Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tư pháp đề nghị tăng cường chỉ đạo hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cùng vào cuộc góp phần đẩy mạnh hoạt động TPL; tăng cường công tác tuyên truyền về TPL, lập thêm các văn phòng TPL để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách khuyến khích hoạt động như miễn, giảm thuế trong một số năm nhất định...

Đọc thêm