Như sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tra, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thủy gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp phi công trình như chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông.Tăng cường thanh, kiểm tra việc xây dựng các công trình ven sông, quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông; quản lý giao thông thủy hợp lý.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hoặc cho phép triển khai trước Dự án chống sạt lở sông Hậu; Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh An Giang và các địa phương thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học, tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu, xác định cụ thể những khu vực xung yếu, đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ từ quy hoạch, xây dựng công trình, quan trắc và theo dõi diễn biến để bảo vệ.