Đó là kết quả của nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, vừa được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) công bố. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, nỗ lực bình đẳng giới sẽ khập khiễng nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà “bỏ qua” đàn ông…
Đàn ông muốn khóc - hãy khóc!
Thưa bà, lâu nay, cách nhìn của chúng ta, phụ nữ Việt luôn thiệt thòi rất nhiều từ sự vô tình của người đàn ông gia trưởng hoặc được nuông chiều quá nhiều… Tại sao bà lại thấy cần thiết nghiên cứu về họ, chẳng phải họ đã rất “ổn” sao?
- Không chỉ Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới quan niệm phụ nữ là bên thiệt thòi, còn nam giới đã nhận quá nhiều ưu ái, nên phần lớn hỗ trợ hay nghiên cứu đều tập trung vào phái nữ. Vì vậy, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn để xin tài trợ cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, nam và nữ luôn gắn liền với nhau, mọi vui buồn của phụ nữ đều liên quan đến đàn ông và ngược lại. Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy nam giới gặp nhiều vấn đề, đặc biệt khi xã hội phát triển nhanh chóng. Dường như những thay đổi ở nam giới còn khá chậm. Tôi không nói họ không thay đổi, nhưng tốc độ chậm hơn nhiều so với phụ nữ.
Nghiên cứu của chúng tôi cuối cùng cũng được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và chương trình Đầu tư vào phụ nữ (IW) của Chính phủ Úc tài trợ.
Từ năm 2018, chúng tôi thực hiện nhiều khảo sát trên 2.567 người tại 4 tỉnh/thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình. Đối tượng là nam giới từ 18 đến 64 tuổi. Cứ 100 nam giới tham gia nghiên cứu thì có 3 người cho biết từng có ý định tự sát. Đáng chú ý, cứ 100 thanh niên (trong độ tuổi 18-29) thì có 5,43 người cho biết từng có ý định tự sát.
Nghiên cứu này đưa ra một phác thảo đầu tiên về nam giới Việt Nam và có nhiều phát hiện trong đó, nhưng có lẽ đáng lưu ý nhất là đàn ông Việt Nam có rất nhiều áp lực. Họ phải là trụ cột cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa phải là chỗ dựa về mặt vật chất, kinh tế cho gia đình, nuôi vợ con, chỗ nương tựa cho bố mẹ khi về già, về tinh thần anh ta phải là biểu tượng của dòng giống trường tồn, mang lại vinh dự cho tổ tiên, là niềm tự hào của quê hương.
Còn trong xã hội, anh ta vẫn bị ám ảnh bởi áp lực “phải có danh gì với núi sông” hay nói cách khác là phải có một “chỗ đứng” trong xã hội. Đó là những gánh nặng của người đàn ông. Trong thời buổi xã hội đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì có thể áp lực ấy càng lớn.
Đàn ông thì luôn cạnh tranh, phải nhìn sang anh em như thế nào, nên áp lực lại càng nhân lên. Tất cả những điều đó có thể dẫn tới những hành vi nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy… và hậu quả là những vấn đề về sức khỏe tinh thần như stress, chán nản, cảm giác cô đơn… và thậm chí là muốn tự tử.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tỉ lệ nam giới tự tử đều cao hơn so với phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam rất vất vả nhưng tỉ lệ phụ nữ tự tử lại thấp hơn nam giới. Không phải phụ nữ có ít áp lực hơn nam giới nhưng cách phụ nữ đối diện với áp lực và vượt qua nó chắc chắn khác với nam giới.
Nhưng chưa có ai tìm hiểu nam giới có những áp lực gì và đối mặt với nó như thế nào. Báo chí thì lại hay đưa tin về phụ nữ tự tử hơn là đưa tin nam giới tự tử. Có rất nhiều những sự thực bị che khuất như vậy nên xã hội không nhìn ra để suy ngẫm và tìm cách giải quyết.
Vậy chân dung “người đàn ông đích thực” trong mắt đàn ông ra sao, thưa bà?
- Kết quả phân tích số liệu nghiên cứu đã cho phép chúng tôi dựng nên chân dung “người đàn ông đích thực”. Về sự nghiệp, người đàn ông đích thực có vị trí trong cơ quan nhà nước, có bằng cấp cao, lãnh đạo, làm việc có chuyên môn cao, coi sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Về năng lực và tính cách thì người đàn ông đích thực biết chấp nhận mạo hiểm thử thách, mạnh mẽ, không yếu mềm, biết sử dụng công nghệ hiện đại, có cơ thể khỏe mạnh, quan hệ rộng, có phong thái dứt khoát, phấn đấu để mình và gia đình không thua kém người khác.
Về thể chất thì là người có khả năng tình dục cao, có nhiều kinh nghiệm tình trường, luôn dẫn dắt trong quan hệ tình dục, có khả năng uống rượu bia, luôn hào phóng và che chở phụ nữ, sẵn sàng thể hiện sức mạnh khi cần để bảo vệ danh dự của mình.
Trong nghiên cứu, hơn 97% nam giới cho rằng họ cần là bờ vai che chở cho người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai nghĩ mình không làm được điều này thường rất căng thẳng và xem như một thất bại. Trong khi đó, với những mối lo, gánh nặng về kinh tế là lớn nhất, chiếm khoảng 83% số nam giới được khảo sát. Con số này cũng dễ hiểu khi xã hội vật chất ngày càng phát triển.
Đàn ông có thể bước ra khỏi “tháp ngà” ngột ngạt?
Điều dễ nhận thấy, hiện phụ nữ đã thay đổi rất nhiều quan niệm sống, cũng như họ biết tự yêu bản thân mình hơn. Thế nhưng, dường như với đàn ông, cách nhìn của họ về phụ nữ Việt truyền thống vẫn không thay đổi? Và những bi kịch cũng bắt nguồn từ đây?…
- Đúng vậy, một phát hiện khác có ý nghĩa quan trọng về quan hệ giữa nam giới và phụ nữ. Đó là những trông đợi của nam giới đối với phụ nữ vẫn xưa cũ trong khi phụ nữ đã thay đổi rất nhiều. Còn những trông đợi của đàn ông về chính họ lại nhốt họ trong cái khung chật chội cứng nhắc, cản trở sự thay đổi của họ và của cả phụ nữ.
Xã hội đã có rất nhiều thay đổi trong quan niệm về vai trò, về sự thể hiện của người phụ nữ, còn về đàn ông thì hầu như vẫn chưa có thay đổi gì cả. Đàn ông vẫn luôn bị chỉ trích là “bảo thủ,” là “gia trưởng” nhưng đã ai làm gì cho họ? Họ vẫn luôn bị/ được nghĩ là rất ổn, là phái mạnh thành ra cuối cùng thì họ vẫn quanh quẩn trong cái khung cũ rích như thế. Thế nhưng, chúng ta cứ mặc định rằng làm đàn ông thì dễ dàng hơn, thoải mái hơn.
Và đứng trước một núi áp lực như thế, để giải tỏa cảm giác bất lực, nhiều người đàn ông trút những bẽ bàng, cay đắng dồn nén xuồng đầu người phụ nữ. Chúng ta ít nghĩ về điều đó khi tìm cách lý giải nguyên nhân khiến nam giới bạo hành phụ nữ. Nhưng làm đàn ông càng ngày càng không dễ dàng, nhất là tới đây, tất cả được cơ khí hóa, tự động hóa rồi, xã hội càng phát triển thì cơ bắp của người đàn ông sẽ chẳng phải là ưu thế nữa…
Có vẻ như một người đàn ông Việt được sinh ra với rất nhiều mặc định rằng : “đàn ông không được khóc”, hay “đồ mặc váy”, “nam vô tửu như cờ vô phong”, hay đàn ông trăng hoa chút “ chả sao”… Giữa rất nhiều “chả sao” và rất nhiều “đàn ông phải thế”… thì việc đợi họ thay đổi sẽ càng không dễ?
- Trở lại truyện Kiều mà tôi vẫn muốn lấy làm ví dụ về những khuôn mẫu giới điển hình ở Việt Nam. Nguyễn Du mô tả Kiều trong thân phận đàn bà bị cuộc đời vùi dập, trải qua vô vàn sóng gió trong một xã hội mà đàn ông là bóng tùng quân, còn đàn bà là phận bồ liễu mong manh. Nguyễn Du đã đưa những trang nam tử điển hình của thời đại đến với nàng trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Nhưng chừng ấy người đàn ông có người nào “che chở” được cho Kiều?
Phải chăng họ ở vị thế cao hơn mà sinh ra là đàn ông họ đã mặc nhiên có được nên chẳng thấy cần phải thử thách bản thân. Vì thế, cuối cùng, dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du, tất cả những trang nam tử đó chẳng ai sánh được với Kiều, cả về tính cách, tài năng, phẩm hạnh và sự quật cường.
Nói theo ngôn ngữ thời nay thì có nghĩa là đàn ông mặc nhiên được cho là ưu việt hơn, hoặc có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ nên họ không cần được quan tâm, không cần thay đổi. Nhưng bây giờ không phải là thời đại của Nguyễn Du nữa, do vậy, nếu không thay đổi thì đàn ông, có thể sẽ mãi bị cầm tù trong ngôi tháp cao nhưng ngột ngạt của mình.
Thế nên, nam giới cần thấu hiểu chính mình để thay đổi nhiều định kiến trước nay. Khi mà người vợ ngày nay đã chia sẻ gánh nặng kinh tế rất nhiều với chồng, nhưng nhiều người trong khảo sát vẫn bị ám ảnh bởi mấy chữ “trụ cột gia đình”.
Chưa kể nhiều phụ nữ rất giỏi, có khi kiếm tiền còn nhiều hơn cả đàn ông, nhưng điều này lại khiến người chồng trong nhà lo lắng hoặc tự ái khi thấy “mất mặt” với vợ. Điều quan trọng, trong gia đình là cả hai cần thường xuyên chia sẻ để hiểu và thông cảm cho nhau. Nam giới cũng cần được quan tâm, cần một chỗ dựa vững chắc nơi người vợ để giảm đi gánh nặng tâm lý trong cuộc sống.
Bởi thực tế, nam giới đâu muốn thừa nhận vấn đề của họ? Họ vẫn cho là họ ở vị trí cao hơn, là phụ nữ mới cần nâng đỡ. Tôi hay được mời đi nói chuyện ngày 8/3 hoặc 20/10 thì thấy lãnh đạo nam giới thường có thái độ như vậy, các anh ấy đến phát biểu úy lạo chị em vài câu, đại loại họ rất quan tâm đến chị em, thông cảm với chị em chịu nhiều thiệt thòi, đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho chị em phát triển…
Dù vậy, chúng tôi rất mừng là khảo sát cho thấy những người đàn ông trẻ tuổi, ở thành phố, chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa (như dùng internet nhiều, đi du lịch nhiều, học vấn cao...) có tư tưởng thoáng hơn, ít bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu truyền thống, họ ít kiểm soát, ít bạo hành phụ nữ hơn, sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ, không cho rằng đàn ông ưu việt hơn phụ nữ… Những thay đổi xã hội như vậy đang bắt đầu từ đô thị và hy vọng rằng chúng sẽ khuếch tán rộng hơn và nhanh hơn trong thời gian tới.
Mặc dù không thể đại diện cho toàn bộ nam giới Việt Nam nhưng dữ liệu đã cung cấp một số phát hiện quan trọng, cho phép một phác thảo chân dung đầu tiên về người đàn ông Việt Nam trong một xã hội đang đổi thay nhanh chóng.
Trân trọng cảm ơn bà!