Thanh Xuân (Hà Nội): Đã bị sai nguồn gốc đất còn thiếu tiền bồi thường?

(PLO) - Cho rằng diện tích gia đình bị thu hồi là 1.744m2 đất (quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đo năm 2003), ông Nghiêm Xuân Lương đã có đơn khiếu nại đề nghị tăng mức bồi thường.
Khu đất của ông Lương bị thu hồi giải tỏa, chỉ còn lại bức tường cũ và gần 10m2 đất.
Khu đất của ông Lương bị thu hồi giải tỏa, chỉ còn lại bức tường cũ và gần 10m2 đất.
Theo đơn khiếu nại của ông Nghiêm Xuân Lương (76 tuổi, số nhà 56, tổ 6 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) thì từ năm 1956,  ông đã cải tạo một mảnh đất gần 2.000 m2 ven bờ sông Tô Lịch ở  thôn Giáp Nhất, xã Nhân Chính (nay là tổ Giáp Nhất, phường Nhân Chính), quận Thanh Xuân – Hà Nội). Ngày 6/5/1991, Chủ tịch UBND xã Nhân Chính lúc đó là ông Trương Huy Sở đã xác nhận vào đơn của ông Lương thể hiện quyền sử dụng đối với diện tích đất trên. Trước đó, ông đã huy động một số anh em trong thôn đóng góp được 18 triệu đồng để xây dựng một ngôi nhà cấp 4, xây tường gạch bao quanh cao 2m để ở và trồng cây tại khu đất này.
Thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội- Giai đoạn II, ngày 14/11/2011, UBND quận Thanh Xuân đã có Quyết định số 3398/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho ông Lương hơn 343 triệu đồng đối với 1.361m2 đất. 
Cho rằng diện tích gia đình bị thu hồi là 1.744m2 đất (quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đo năm 2003), ông Lương đã có đơn khiếu nại đề nghị tăng mức bồi thường.
Ngày 4/1/2013, UBND quận Thanh Xuân ra Văn bản trả lời số 07/UBND-HĐBT cho rằng 1.361m2 đất do ông Lương sử dụng nằm trong vùng bảo vệ di tích chùa Giáp Nhất, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử và Nghệ thuật và “diện tích đất 1.361m2 chủ sử dụng là UBND phường Nhân Chính”.
Theo ông Lương, nội dung trả lời như trên là không thỏa đáng và thiếu trách nhiệm bởi khu đất bị thu hồi thuộc chủ quyền của ông, đã được UBND xã Nhân Chính xác nhận trong đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất của ông năm 1991. 
Ngoài ra, ông Lương còn cho rằng khu đất này chưa được khoanh vùng và giao mốc giới cho di tích chùa Giáp Nhất vì theo Thông báo số 41/TB-VHTTDL ngày 21/07/2011 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thì: “Việc cắm mốc giới cho di tích đình chùa Giáp Nhất hiện nay chưa hoàn thành là trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Nhân Chính. Đây cũng là hiện trạng chung của một số di tích đã được xếp hạng nhưng chưa làm hồ sơ khoanh vùng bảo vệ trên địa bàn thành phố”.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì hồ sơ địa chính lưu ở UBND phường Nhân Chính không thể hiện việc UBND phường Nhân Chính là chủ sử dụng. Ông Lương mới là chủ sử dụng, được chính quyền xác nhận trước ngày 15/10/1993 và có đóng thuế cho Nhà nước. 
Theo ông Lương, Ban bồi thường GPMB quận Thanh Xuân và UBND phường Nhân Chính đã làm sai lệch hồ sơ nguồn gốc đất, đền bù thiếu của ông 383m2 đất và chiếm dụng của ông 91 triệu đồng vì ông chỉ nhận được gần 252 triệu trong tổng số 343 triệu đồng được phê duyệt. 
Nhận được yêu cầu giải quyết đơn thư từ lãnh đạo UBND thành phố, ngày 08/06/2015 UBND quận Thanh Xuân có Văn bản số 638 cho rằng việc khiếu nại của ông Lương đã được UBND quận Thanh Xuân giải quyết theo Công văn số 956/UBND-HĐBT (8/11/2012) và Quyết định số 946/QĐ-CTUBND ngày 18/4/2013. Vì vậy, UBND quận Thanh Xuân đã xem xét giải quyết hết thẩm quyền.
Nhưng có thể thấy, Quyết định số 946/QĐ-CTUBND của UBND quận Thanh Xuân là giải quyết khiếu nại “gộp” đối với nhiều công dân chứ không phải riêng ông Lương. Theo qui định của Luật Khiếu nại thì UBND quận Thanh Xuân phải có quyết định trả lời cho từng cá nhân có đơn  mới thỏa đáng.
Từ những nội dung khiếu nại trên đây, đề nghị các cơ quan chức năng TP.Hà Nội sớm vào cuộc để trả lời công dân trong quá trình thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường đối với ông Nghiêm Xuân Lương./. 

Đọc thêm