Dịp Tết, nhiều hành vi “quá đà” cần lưu ý để không bị xử phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịp Tết Nguyên đán được xem là kì nghỉ dài hàng năm của người lao động trên cả nước, mọi người được nghỉ ngơi, sum họp, quây quần với gia đình, bạn bè, người thân. Tuy nhiên, đây cũng là dịp phát sinh nhiều hành vi trái quy định, vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng trật tự công cộng

Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho biết, với những hành vi gây rối trật tự như: sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, đánh nhau..., căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS.

Bên cạnh đó, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng điểm a khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

Đánh bài, cá cược ăn tiền

Cũng theo Luật sư Hiếu, tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi đánh bạc trái phép. Cụ thể, phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ… hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 của Nghị định này.

Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc.

Đặc biệt, đối với hành vi đánh bạc với số tiền, hiện vật ăn thua từ 5 triệu đồng trở lên, người đánh bạc có thể bị xử lý hình sự về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định Điều 321, 322 BLHS

Tăng giá dịch vụ, hàng hóa

Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP và Nghị định 49/2016/NĐ-CP xử phạt hành chính, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng… bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30 đến 35 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu theo quy định.

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý cũng sẽ bị phạt tiền đến 55 triệu đồng.

Sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người nào có hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép hoặc sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Người nào vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể các hành vi liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đọc thêm