Chạm bạc Đồng Xâm - những kỳ thú 400 tuổi

(PLO) - Đi dọc những con đường, con ngõ của làng Đồng Xâm, đâu đâu cũng nghe thấy những tiếng búa chạm bạc rộn rã trong từng hộ gia đình. Càng tuyệt vời hơn khi được tận mắt nhìn thấy những người thợ tài hoa đang tỉ mỉ, cần mẫn chế tác đồ trang trí, trang sức bằng bạc tinh xảo...
lĐền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình.
lĐền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình.
Đây chính là “sức sống” của một làng nghề vốn đã nức tiếng trong và ngoài nước - làng chạm bạc Đồng Xâm - trên mảnh đất quê lúa Thái Bình.
Sức sống một làng nghề
Làng chạm bạc Đồng Xâm nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Thưở ban đầu, làng làm nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, sửa chữa khóa... sau mới chuyển sang làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Làng được hình thành vào cuối thời Trần - Hồ (cách đây trên 600 năm) ở hữu ngạn sông Đồng Giang, còn nghề chạm bạc thì mãi sau này mới xuất hiện, hiện còn một am thờ và một văn bia tổ nghề được dựng vào năm 1689 và đặt trong khu chùa Đường (thuộc thôn Thượng Gia). 
Theo sử sách cũ ghi chép lại, vào năm thứ mười dưới triều Vua Chính Hòa (1689), vị tổ nghề Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long tới xứ Đồng Xâm để truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc (gồm 149 người, có một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ). Các dòng họ Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ, Nguyễn, Triệu đều có người tham gia phường Phúc Lộc. Điều này cho thấy, nghề chạm bạc ở Đồng Xâm đã được hình thành và phát triển trải qua gần bốn thế kỷ.
Phường có quy định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: Người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng... hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xóa tên trong phường; còn người nào muốn học nghề đều phải nộp tiền để làm lễ cầu phúc và lễ kính tổ nghề và hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng giêng (âm lịch) phường thợ phải tập trung trước am thờ để làm lễ giỗ tổ.
Độc đáo trong từng sản phẩm
Đồng Xâm từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng chạm bạc độc đáo. Sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Bỉ, Ý…Hàng chạm bạc của Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội hơn so với hàng bạc của các địa phương khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm; ở cách bố cục trang trí tinh vi mà cân đối, nổi rõ chủ đề chính; ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ biết tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Đặc trưng của sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm chính là ở sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo trong từng chi tiết trên sản phẩm. Ngoài ra, tài năng và tính cẩn trọng của những nghệ nhân chạm bạc nơi đây đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật. 
Anh Ninh Xuân Thảo - Phó Giám đốc Cty TNHH May Hưng Nhân, TP.Thái Bình - cho biết, anh là khách hàng thường xuyên sử dụng các sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm, chất lượng sản phẩm ở đây rất tốt, mẫu mã đa dạng, chất lượng sản phẩm bền, đẹp và đặc biệt đường nét chạm rất tinh xảo. 
Chính vì lẽ đó mà trong những dịp đi tham quan, làm việc ở nước ngoài hoặc trong các ngày kỷ niệm trọng đại thì sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm sẽ là sự lựa chọn đầu tiên của anh, món quà này rất đặc biệt và ý nghĩa. 
Thợ chạm bạc Đồng Xâm hiện nay không chỉ bó hẹp ở trong làng, nhiều người thợ giỏi đã tỏa đi khắp nơi, vừa sản xuất vừa truyền nghề. Ở môi trường nào cũng vậy, từ xa xưa đến nay, thợ bạc Đồng Xâm luôn lấy “chữ tín, chữ tài” làm trọng, họ luôn giữ phẩm chất, lương tâm người thợ và tinh hoa kỹ thuật làng nghề. 
Sống bằng nghề
Trong quá trình tồn tại và phát triển, không ít làng nghề đã bị “khai tử” và mai một, nhiều làng nghề “chủ lực” đang “loay hoay” tìm lối đi để thích nghi với những thách thức của cơ chế thị trường thì làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. 
Điều này được minh chứng bằng việc làng nghề đã tồn tại được gần 400 năm, làng có tới 5 nghệ nhân ưu tú được vinh danh, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của vùng châu thổ sông Hồng và là làng nghề tiêu biểu nhất trong 241 làng nghề được UBND tỉnh Thái Bình cấp Bằng công nhận. 
Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã vô tình đẩy 60% doanh nghiệp làng nghề Việt Nam vào thế cầm cự, 20% thì “thoi thóp” nhưng làng chạm bạc Đồng Xâm vẫn “sống khỏe” nhờ biết đa dạng hóa sản phẩm và linh hoạt trong phát triển thị trường. 
Những người thợ chạm bạc Đồng Xâm đã biết tận dụng ưu thế sẵn có, mạnh dạn chuyển từ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu (khi thị trường đóng cửa) sang sản xuất những mặt hàng tiêu thụ nội địa: hàng phục vụ cho đạo Phật (hoành phi, câu đối, lư hương…); hàng phục vụ cho đạo Giáo (thánh giá, chén đựng nước phép, hộp đựng bánh thánh…); chạm chổ những bức tranh về các đề tài danh lam thắng cảnh của đất nước, của đồng quê Việt Nam; trang trí nội thất cho các đình chùa… vì thế mà làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, được nhiều người biết đến và ưa chuộng, danh tiếng từ đó cũng tăng lên.  
Ông Nguyễn Văn Niết – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái - chia sẻ, nguồn gốc chính của làng chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái nhưng đến nay đã phát triển, lan rộng ra hai xã lân cận (Lê Lợi và Trà Giang) hình thành một vùng làm nghề rộng lớn, chạy dài khoảng 6km, được gọi với cái tên vùng nghề chạm bạc Lê – Hồng – Trà. 
Nhắc đến những giai đoạn thăng trầm của nghề chạm bạc Đồng Xâm, khi thị trường xuất khẩu đi vào suy thoái, phía đối tác không nhận hàng, Nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu - Phó Chủ tịch Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý chạm bạc Đồng Xâm - cho biết, từ thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, khi thị trường trong nước gần như không có nhu cầu, những người thợ chạm bạc Đồng Xâm phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để kiếm sống.
Giờ thì mọi chuyện đã khác, những người con của Đồng Xâm từ làng ra đi học tập và thành đạt quay về phát triển làng nghề, khắc phục kiểu làm ăn “cò con, tự phát” nên đã từng bước hình thành lối sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp cho những người thợ trong cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, thợ bạc Đồng Xâm nhờ biết linh hoạt trong phát triển thị trường nên đến nay hầu hết các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam (chùa Bái Đính – Ninh Bình, kinh thành Huế…) đều xuất hiện những sản phẩm của làng và điều này cho thấy vận hội mới đang quay trở lại với người Ðồng Xâm và nghề chạm bạc.
Dù hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước và các làng nghề gặp nhiều khó khăn nhưng làng chạm bạc Đồng Xâm vẫn có rất nhiều đơn đặt hàng từ trong và ngoài nước (đặc biệt thời điểm giáp tết). Những người thợ ở đây yêu nghề, sống chết với nghề và không ngừng sáng tạo để làm ra những sản phẩm độc đáo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa sản phẩm, làng chạm bạc Đồng Xâm đã biết kết hợp với sản phẩm của các làng nghề khác để tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng – “Made in Đồng Xâm”.
Khi hỏi về bí quyết giúp làng chạm bạc Đồng Xâm vẫn có đủ việc làm cho gần 2.000 lao động trong khi các ngành nghề thủ công nói chung đang gặp khó khăn, Nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu tâm huyết: “Đồng Xâm chúng tôi bên cạnh việc phát huy nét tinh hoa độc đáo của nghề nghiệp còn biết tận dụng các sản phẩm của các làng nghề thủ công khác mang về bọc, bịt từ đó làm tăng giá trị của sản phẩm để tiêu thụ. 
Bất kể thứ gì làm bằng kim loại quý như đồng thau, vàng, bạc… sản phẩm từ nhỏ đến to, Đồng Xâm không bỏ qua một việc gì. Đây là nét riêng của những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm. Điều này đã lý giải vì sao trong những năm qua, mặc dù nhiều làng nghề trong nước gặp khó khăn, không tìm kiếm được đơn hàng và thị trường tiêu thụ nhưng riêng Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn có đủ việc làm cho cả một vùng nghề rộng lớn”…

Đọc thêm