Độc đáo “Thành Tròn” 3.000 năm tuổi vùng đất đỏ

(PLO) - Hàng ngàn năm qua, bao thế hệ người dân Bình Phước luôn tự hào về Thành Tròn - những dải đất hình tròn nhô cao từng là nơi sinh sống của người Việt cổ. Thế nhưng không ai biết "chủ nhân" của Thành Tròn là ai... vì khoa học vẫn chưa có lời giải.
Những mô đất nhô cao chạy thành vòng tròn, vùng trũng  ở giữa là hào sâu.
Những mô đất nhô cao chạy thành vòng tròn, vùng trũng ở giữa là hào sâu.
Thành đất đắp tròn giữa bạt ngàn đất đỏ bazan
Trong những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Bình Phước, người ta dễ dàng nhận thấy những dải đất hình tròn nhô cao, chạy dài thành những đường tròn đồng tâm khép kín. Đó là thành đất đắp tròn, được dân địa phương quen gọi Thành Tròn.
Thời xa xưa, đây là nơi người Việt cổ sinh sống và định cư. Họ đắp Thành Tròn trên những mỏm đồi, sườn núi, cao hơn xung quanh từ 20 – 50m. Bên trong những vòng thành được đắp lên bằng đất chính là nơi cư trú. Cũng từ trong vòng thành này, nhiều thế hệ con người nối tiếp quây quần bên nhau, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt. 
Bởi dưới lòng đất, nơi Thành Tròn ngàn năm tọa lạc, người ta tìm được vô số công cụ sản xuất bằng gỗ như thuổng, cuốc, dao… để phục vụ cho cuộc sống. Có thể nói người Việt cổ ngày ấy đã biết chọn cho mình một không gian sống khoáng đạt và trù phú. Nơi đó phải có dòng sông, khe suối chảy qua, hoặc phía dưới chân dốc là thung lũng để có nguồn nước trong mát phục vụ cộng đồng, thường chỉ cách nơi cư trú từ 200 –500m. 
Người Việt cổ còn khéo léo biến những nơi này thành “cạm bẫy” kéo những bầy thú tìm về để săn bắt, đặc biệt trong mùa khô. Vì vậy, có thể nói thiên nhiên hoang dã đã ưu đãi một nguồn thực phẩm dồi dào cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, sự ấm cúng trong cuộc sống của người Việt cổ còn được tạo nên bởi chính bàn tay lao động cần cù, sáng tạo. 
Thành Tròn còn là nơi phòng thủ vững chắc, giống như “pháo đài” kiên cố bảo vệ cộng đồng. Minh chứng cho điều này, tại lòng đất dưới Thành Tròn tìm thấy rất nhiều vũ khí được chế tác bằng đá. Nổi bật nhất là rìu đá với nhiều kích cỡ lớn, nhỏ. Có nghĩa là, từ thời xa xưa, cư dân đã biết tự bảo vệ mình bằng cách đắp thành gồm vòng đất ngoài, hào và vòng đất trong có dạng tròn đồng tâm. 
Sơ đồ phân bố các di tích khảo cổ học thành đất hình tròn trên địa bàn Bình Phước.
Sơ đồ phân bố các di tích khảo cổ học thành đất hình tròn trên địa bàn Bình Phước.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ - Viện Phát triển bền vững Đông Nam bộ cho biết: “Việc phát hiện ra các di tích đất đắp hình tròn cùng với những công cụ đồ đá, vũ khí, bàn mài, đồ gốm, những vết tích sinh hoạt hàng ngày của cư dân cổ còn lưu lại trong vòng thành chứng minh rằng đây là những công trình cư trú - phòng thủ. Với hai vòng thành đất đắp, ở giữa hai vòng thành là một cái hào, người xưa đã tận dụng như một hệ thống phòng ngự đảm bảo chắc chắn trước sự đột nhập của thú dữ hoặc của các cộng đồng đối địch”.
Khoa học vẫn chưa có lời giải về chủ nhân “Thành Tròn”
Theo một nghiên cứu gần đây nhất, Thạc sĩ Kiên cho biết tỉnh Bình Phước phổ biến các di tích đất đắp dạng tròn, ở 35 địa điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Các di tích này có đường kính phổ biến trên 200m, cá biệt, một số Thành có đường kính trên 300m. Đây là các di tích cư trú - phòng thủ của cư dân cổ, niên đại khoảng hơn 3 ngàn năm trước. 
Thành Tròn đặc trưng cho một giai đoạn phát triển ở khu vực vùng đất đỏ cực Nam dãy Trường Sơn, chạy từ phía Tây sông Bé tới phía Đông sông Mekong, trên địa bàn hai tỉnh Bình Phước (Việt Nam) và Kampong Cham (Campuchia). Những di tích đất đắp hình tròn đều được phân bố trên vùng đồi đất đỏ bazan, trải dài từ Phước Long qua Lộc Ninh, Bình Long và kéo tới tận biên giới Campuchia. Một vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của con người. 
Ông Kiên nhận xét: “Hình thức cư trú có phần khác nhau trên từng tiểu vùng sinh thái. Từ hệ thống tư liệu khảo cổ học qua việc phân bố các di tích cho thấy cộng đồng cư dân giai đoạn này đã cư trú trên những vùng đất có cao trình trên 100m, chọn việc sống trên những Thành Tròn mang tính chất phòng thủ khép kín, gói trọn các sinh hoạt của từng cộng đồng nhỏ trong một không gian liền khoảnh ổn định. Mọi sinh hoạt cộng đồng đều diễn ra trong phạm vi các Thành Tròn này. Có lẽ đó là sự lựa chọn khôn ngoan trong điều kiện vùng đất bazan Đông Nam bộ với bạt ngàn rừng già tiềm ẩn không ít những hiểm họa, trong khi những trang bị phòng vệ cho cuộc sống con người vẫn còn ở mức hạn chế”. 
Cũng theo thạc sĩ Kiên, các di tích Thành Tròn ở Bình Phước có xu hướng phân bố thành từng cụm, bao gồm: cụm di tích Lộc Ninh, cụm di tích Bình Long, cụm di tích Bù Nho, cụm di tích Thuận Lợi, cụm di tích Thiện Hưng. Các cụm di tích thường nằm cách nhau từ 10- 15km. Các di tích Thành Tròn ở Bình Phước không chỉ có mối quan hệ về không gian và thời gian với các di tích tiền sử khác ở Đông Nam bộ mà còn có thể có mối quan hệ văn hóa truyền thống trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định được chủ nhân của các công trình này”. 
Ông Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết: “Thành đất đắp tròn được một nhà khảo cổ nước ngoài phát hiện từ năm 1930 ở khu vực Xa Cam, Bình Long. Ban đầu gọi là “Thành Mọi”, đến năm 1955 đã tiến hành nghiên cứu trên thực địa, đồng thời lập một danh sách 17 di tích thuộc loại này (12 di tích ở Bình Phước, 5 di tích ở Kompong Cham).
Vì những lí do khác nhau, trong các thập niên tiếp theo chỉ có một vài cuộc nghiên cứu lẻ tẻ. Phải đến năm 1978, việc nghiên cứu loại hình di tích đất đắp hình tròn mới được đẩy mạnh với quy mô lớn hơn, thu được những kết quả đáng khích lệ”.
Theo một số nhà nghiên cứu, có lẽ hậu duệ của người tiền sử nơi đây không phải là người Việt hay Khmer, mà có thể là một dân tộc khác đã và có thể đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên và phụ cận./.

Đọc thêm