Mới có 3% người giúp việc được đóng bảo hiểm xã hội
“Tôi đi làm giúp việc đã hơn 5 năm qua và phải đổi chủ đến 6 lần nhưng chưa từng nghe đến hợp đồng lao động. Chủ nhà đầu tiên là đứa cháu trong họ, hơn 1 năm làm việc ở đây chúng tôi chỉ thỏa thuận miệng về tiền lương, ngày nghỉ lễ tết. Những chủ nhà tiếp theo cũng tương tự, có nhà cả người già và trẻ nhỏ, việc nhiều tới mức làm không ngơi tay trong khi lương như cũ, muốn tăng lương cũng không dám hỏi vì sợ mất việc.
Ai may mắn gặp chủ hiểu chuyện còn đỡ vất vả, nếu không chuyện cáu gắt, dọa đuổi việc, trừ lương hay gây khó dễ mỗi lần xin nghỉ về quê… là hết sức bình thường. Nhiều người suy nghĩ, giúp việc là nghề thấp kém nên chỉ cần trả lương rồi muốn đối xử thế nào cũng được”. Đây là tâm sự của chị Trần Thị P - một phụ nữ giúp việc quê Phú Thọ, nhưng đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều người giúp việc gia đình.
Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động quốc gia, số lượng lao động giúp việc gia đình trong năm 2015 tăng khoảng 63% so với năm 2008 (từ 157.000 lên 246.000 lao động) với 98,7% lao động là nữ giới.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) cho thấy, đa phần lao động giúp việc gia đình là nữ giới, trình độ học vấn không cao.
Kết quả điều tra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (IFGS) năm 2012 cho thấy, có 84,6% người lao động có trình độ học vấn trung học cơ sở trở xuống.
Tỷ lệ người lao động có trình độ tiểu học trở xuống là 22%. Đây cũng là lĩnh vực có sự tham gia của lao động chưa thành niên, trong đó phần nhiều là nữ giới.
Kết quả điều tra của IFGS cho biết, trong số 371 người lao động là nữ, có 3% ở độ tuổi 16 - 18.
Hiện nay, phần lớn các gia đình tìm người giúp việc qua việc nhờ người nhà ở quê hay qua người quen giới thiệu. Theo đánh giá của GFCD, tỷ lệ số người tìm được công việc này qua bà con, họ hàng là 30,4 %; qua bạn bè, người quen là 56,8 % và tự tìm được là 4,0%. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động tìm được việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ chiếm 6,2%.
Khi thuê người giúp việc, chủ nhà thường không có văn bản giấy tờ, mà chỉ thỏa thuận bằng miệng với người giúp việc. Điều này đã kéo theo những hệ lụy không nhỏ như: người giúp việc tự ý bỏ việc, tự ý đòi tăng lương hoặc chủ nhà có thể cho người giúp việc thôi làm nếu thấy không hài lòng.
Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn luật đã có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, để từ đó người lao động có cơ sở tự lo đóng bảo hiểm cho bản thân.
Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), hiện mới có 3% người giúp việc được đóng BHXH, 91,6% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên…
Trình độ học vấn thấp là trở ngại đầu tiên khiến người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật. Các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này đã chỉ ra gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.
Người giúp việc cũng không mặn mà
Mặt khác, ngay chính người giúp việc cũng thấy e ngại với việc đóng BHXH, BHYT cho bản thân vì theo họ giúp việc gia đình là một nghề thời vụ, không bền họ luôn xác định không thể gắn bó với nghề cho đến khi được nhận chế độ của BHXH, từ đó cũng không có nhu cầu đóng bảo hiểm.
Hơn nữa, “Nếu nhà chủ có cho thêm tiền để đóng bảo hiểm thì em cũng chả biết phải đóng thế nào. Bọn em ở quê toàn làm ruộng, nghe đến chuyện giấy tờ thủ tục là thấy sợ rồi. Rồi khi chuyển việc qua làm nhà khác thì sẽ thế nào. Hơn nữa, đóng bảo hiểm vài năm rồi không tham gia nữa thì chúng em có được hưởng quyền lợi gì không” – là băn khoăn của nhiều người giúp việc gia đình.
Về phía chủ nhà, với những chủ nhà sẵn lòng đóng bảo hiểm cho người giúp việc thì băn khoăn về vấn đề thủ tục như đóng như thế nào, hợp đồng lao động ra sao… Với những chủ nhà không nhất trí đóng bảo hiểm cho người giúp việc thì theo tính toán của họ hiện nay, trung bình mức lương trả cho người giúp việc ở trong nhà trông trẻ nhỏ là từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Nếu trả thêm tiền để người giúp việc tự đóng bảo hiểm, thì với mức lương vùng 1 như ở Hà Nội mức đóng BHYT, BHXH cho người giúp việc là khoảng trên dưới một triệu đồng. Như vậy, ngoài số tiền lương trung bình trả cho người giúp việc như hiện giờ, chi phí chủ nhà phải bỏ ra sẽ đội lên gần một triệu đồng nữa.
Theo Luật sư Lê Ngọc Lương - Công ty Luật TNHH Đại Phúc, quy định về đóng bảo hiểm cho người giúp việc rất khó thực hiện. Rất khó quản lý việc chủ nhà có thanh toán khoản tiền này cùng tiền lương hay không, hoặc chủ nhà sẽ lách bằng các thỏa thuận khác như tiền lương đã bao gồm cả tiền bảo hiểm.
Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp thì việc quản lý đóng bảo hiểm đã khó, nói gì đến việc quản lý đóng bảo hiểm với người giúp việc. Không những thế, người giúp việc nhận khoản tiền thêm này và có tham gia bảo hiểm hay không thì cũng rất khó quản lý. Bản thân họ có khi cũng không biết mình được nhận khoản tiền này và tham gia bảo hiểm như thế nào, ở đâu.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp cũng đồng tình cho rằng, yêu cầu người giúp việc phải tự liên hệ để đóng bảo hiểm là khó khả thi. Thông thường thì họ quan tâm tới tiền mặt hơn và ít khi có ý định đóng BHXH.
Như đã nói trên, từ ngày 15/4 theo Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, gia chủ không trả tiền BHXH, BHYT cho người giúp việc, giữ giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Nhưng nếu thực tế khó như đã nói trên thì phạt ai và phạt vì cái gì?