Dự án thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế): Còn một số vướng mắc trong đền bù, hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đi vào vận hành đã lâu nhưng những vướng mắc, tồn tại trong công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng tại xã Thượng Nhật vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết dứt điểm. Trước tình hình đó, UBND huyện Nam Đông yêu cầu địa phương, phòng, ban liên quan kiểm tra, rà soát nhằm xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người dân.
Dù đi vào vận hành đã lâu nhưng thủy điện Thượng Nhật vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù cho một số hộ dân bị ảnh hưởng.
Dù đi vào vận hành đã lâu nhưng thủy điện Thượng Nhật vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù cho một số hộ dân bị ảnh hưởng.

Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW nằm ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, do Cty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm đi vào vận hành nhưng đến nay một số kiến nghị đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân ảnh hưởng bởi thủy điện Thượng Nhật vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết.

Trước đó, Cty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất trình Sở TN&MT phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, Cty vẫn chưa có phương án bồi thường, chi trả cho ông Hồ Văn Sỹ (thôn A Tin). Cụ thể, phương án đền bù được niêm yết công khai là 1,3ha đất nhưng khi chi trả đền bù chỉ thực hiện 1ha (gần 600 triệu đồng), còn 0,3ha còn lại Cty cho rằng đất hoang hóa nên không đền bù.

Theo bà Hồ Thị Búp (vợ ông Sỹ), với thủy điện Thượng Nhật, hộ gia đình ông bà bị ảnh hưởng đất rừng sản xuất khá nhiều, nhưng đến nay việc bồi thường vẫn chưa thỏa đáng. “1,3ha đất cao su của gia đình giờ nằm trong lòng hồ thủy điện đến ngọn cây nước ngập không nhìn thấy. Năm 2020, khi tiến hành nhận tiền đền bù chỉ được chi trả 600 triệu đồng cho 1ha, còn 0,3ha còn lại, Cty nói là đất để hoang hóa lâu ngày không sản xuất nên không được đền bù”, bà Búp nói.

“Nếu nói là đất hoang hóa thì Cty phải chứng minh, chứ không thể nói đơn giản vậy rồi không thực hiện chi trả đền bù. Trong khi đó, 0,5ha đất trồng keo tràm còn lại của gia đình giờ bị ảnh hưởng nên sạt lở, rất khó sản xuất dẫn đến đời sống khó khăn”, bà Búp cho biết.

Ngoài ra, người dân còn yêu cầu thủy điện hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin (dài khoảng 600m, rộng 2,5m), mở đường mòn sản xuất vùng Cha Lai. Thủy điện Thượng Nhật khơi thông dòng chảy phía hạ du cũng đã làm ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất của 4 hộ dân (Hồ Văn Giáp, Hồ Văn Lâu, Hồ Văn Chương, Tà Rương Binh). Bảy hộ tại xã Thượng Nhật cũng kiến nghị đo đạc ngập phát sinh ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ ảnh hưởng đến diện tích đất của dân.

Ông Võ Văn Đờn, Chủ tịch UBND xã, cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất với Cty thủy điện giải quyết dứt điểm các hạng mục trên theo cam kết từ năm 2020. Cty đã phối hợp với xã, thôn kiểm tra đánh giá tổng thể và xây dựng phương án khắc phục, lập dự toán để hoàn trả đường. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. Mới đây, UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Nam Đông liên quan đến những vướng mắc, tồn tại mà Cty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam chưa giải quyết dứt điểm.

Với các kiến nghị liên quan diện tích ngập trong lòng hồ, UBND huyện giao chính quyền địa phương phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện rà soát, xác nhận rõ nguồn gốc sử dụng đất (đất nằm trong diện thuộc giải phóng mặt bằng hay nguồn gốc đất hoang hóa, khe suối…) để trả lời cụ thể, dứt điểm cho hộ gia đình. Phòng TN&MT huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát diện tích đất hoang hóa, khe suối để thực hiện thu hồi đất theo quy định.

Với 7 hộ kiến nghị đo đạc ngập phát sinh ngoài phạm vi giải phóng lòng hồ, địa phương xác định với 2 hộ ông Hồ Văn Kiên và Hồ Văn Cứu thuộc diện ngập phát sinh, đề nghị Cty thủy điện sớm hỗ trợ, đền bù phần diện tích ngập; 5 hộ còn lại, đề nghị Cty xây dựng phương án cụ thể khi mực nước dâng lên làm ngập diện tích cây trồng thì hỗ trợ, đền bù theo quy định.

Liên quan đến hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin, UBND huyện yêu cầu Cty phối hợp với UBND xã xây dựng phương án để sớm triển khai thực hiện trước mùa mưa, bão. Giao Phòng Kinh tế & Hạ tầng nghiên cứu hỗ trợ về thiết kế, kỹ thuật bảo đảm chất lượng cho công trình. Đồng thời, thủy điện hỗ trợ tiền công để người dân phát dọn đường mòn vào nơi sản xuất.

Đọc thêm