Dụ dỗ đàn ông "lên giường", phụ nữ có thể phạm tội hiếp dâm?

(PLO) - Sau tin đồn thất thiệt về kiều nữ Hải Dương cưỡng bức hàng trăm tài xế tắc xi, nhiều người đã đặt câu hỏi trên. Thông thường người ta cho rằng chỉ có đàn ông mới hiếp dâm phụ nữ nhưng trong thực tế lại có những vụ việc ngược lại.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Liên tiếp các vụ án đàn ông bị dụ dỗ... "hiếp dâm"
Ở Việt Nam, ngoài tin đồn về kiều nữ Hải Dương cưỡng hiếp hàng trăm tài xế tắc xi mới đây, chưa có một vụ nào thực sự rõ ràng về phụ nữ hiếp dâm  đàn ông. Tuy nhiên trên thực tế, có không ít sự bi hài khi các cô gái “bị cưỡng hiếp” lại là tự nguyện, thậm chí… khuyến khích các chàng trai vào “tròng”. Chuyện một cô bé có mang cả làng hồi hộp vừa qua là một trong những điển hình. 
Năm 2013, tại Hậu Giang cũng xảy ra một vụ án khá lạ lùng: Người bị hại là một cô bé thường bỏ nhà đi lang thang. Cô không hề bị các bị cáo dùng vũ lực uy hiếp. Ngược lại, cô lại tự nguyện đi chơi, tự tìm đến các bị cáo ngỏ ý ngủ qua đêm, thậm chí cô còn nói dối là không còn cha mẹ, không có nhà ở để xin đi theo các anh...
Vụ án có 10 bị cáo nhưng không phải là một vụ hiếp dâm tập thể. Vụ án xuất phát từ một chứng bệnh kỳ quặc của cô gái, y học tạm gọi là bệnh “thích đàn ông”. Dù không chủ động, không dùng sức mạnh cưỡng ép, thậm chí còn được khuyến khích nhưng các bị cáo trên vẫn phải chịu tội hiếp dâm trẻ em chỉ vì vào thời điểm quan hệ cô gái chưa đến 13 tuổi. 
Một vụ án khác, vào tháng 9/2013, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử Vũ Văn Hải (20 tuổi, Xuân Trường, Nam Định) về tội hiếp dâm trẻ em. Điều đặc biệt, trong vụ án này, chính cô chủ nhỏ nơi Hải làm thuê là người chủ động gạ gẫm. Chuyện là, khi đang làm, Hải thấy T. đi lên gác, rồi ngồi xuống ôm hôn mình. Hai người ôm nhau mấy phút, sau đó T. kéo người làm thuê vào phòng ngủ của bố mẹ mình ở cạnh đó. Hai người đang làm chuyện vợ chồng thì bị anh Phạm Văn Hiệu là cậu ruột của T. phát hiện nên báo chính quyền.
Hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi bị xem là hiếp dâm thì đã rõ, nhưng ở đây, chủ thể tội phạm không dụ dỗ, không cưỡng ép cũng không dùng sức mạnh, ngược lại còn bị động. Nhưng do luật chưa ghi nhận chủ thể nữ trong tội hiếp dâm nên chỉ xem xét hành vi của bị cáo để định tội.
Một vụ án hiếp dâm khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán đã xảy ra tại huyện Tân Hưng, Long An. Một cô bé tự cởi quần áo cho bị cáo quan hệ tình dục sau đó lại làm đơn tố cáo vì lần đòi hỏi thứ 3 của cô không được đáp ứng. 
Diễn tiến vụ án thật lạ. “Đêm đó, T. rủ Sang vào nhà rồi đóng cửa, tắt đèn, mở ti vi xem. Lúc sau, T. chủ động gợi ý tìm trò chơi nào cho vui. Nói xong, T. tắt ti vi và bảo Sang giấu điều khiển ti vi để T. mò tìm. Sang đồng ý đem giấu dưới đầu giường, T. trườn qua người, nằm đè lên người Sang nhưng không tìm được điều khiển ti vi. Nói chuyện thêm một lúc, T. tự cởi quần áo cho Sang quan hệ tình dục. Lát sau, T. cho Sang quan hệ lần nữa. Sau đó Sang ra về dù cho cô bé T. vẫn nằng nặc đòi... “yêu” lần nữa. Hai ngày sau, T. đến công an xã Vĩnh Thạnh tố cáo Sang hiếp dâm.
Phụ nữ không cưỡng bức được đàn ông?
Theo quan niệm phổ biến hiện nay, nữ không thể hiếp dâm nam giới khi người nam không muốn, bởi thiếu sự cương cứng của người nam thì khó thực hiện. Nhưng với các điều kiện khoa hoc  kỹ thuật như hiện nay thì phụ nữ có thể buộc đối phương bằng các loại thuốc... và hoàn toàn có thể thỏa mãn tình dục trái ý muốn của người nam. Bộ luật Hình sự cũng như các giáo trình đều không khẳng định “nữ” không phải là chủ thể của tội này nhưng cũng chưa thừa nhận nữ giới là chủ thể của tội này. 
Tiến sĩ Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, trong pháp y tình dục, bộ phận sinh dục nam phải chịu sự song hành điều khiển của hai hệ thống thần kinh trung ương và tại chỗ. Đôi bên lắm lúc khó bảo được nhau. Hai hệ thống này có lúc phối hợp với nhau rất ăn ý, nhưng lắm khi lại “ông nói gà, bà nói vịt”. 
Một người nam khi nhìn thấy đối tượng làm cho họ thích, bộ phận sinh dục sẽ cương cứng ngay. Đó là kết quả “làm việc” của hệ thống thần kinh trung ương. Và dù không muốn, bộ phận sinh dục của người nam cũng sẽ cương cứng nếu có sự tác động trực tiếp bằng tay, dụng cụ… Lúc này kể cả thần kinh trung ương có “gầm thét rằng không” thì vẫn phải bó tay với sự “chống lệnh” này. 
Phụ nữ cần bị truy tố tội "hiếp dâm"
Mới đây, ông Trần Văn Độ (Phó Chánh án TANDTC kiêm Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) đã đề xuất bổ sung chủ thể phạm tội là nữ giới cho tội “Hiếp dâm” do thực trạng  xã hội hiện nay đã có phát sinh. 
Đồng quan điểm, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng: “Nếu không xác định nữ giới tham gia với vai trò chủ thể thực hiện tội phạm thì không thể xử lý họ về tội này”. Luật sư Bình cho rằng, việc bổ sung chủ thể không nhất thiết phải đưa vào luật vì nội dung của điều luật hiện hành cũng không quy định rõ giới tính. Vì vậy, chỉ cần nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất.
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Về học thuật thì ngay chính sinh viên luật cũng hiểu là phụ nữ không thể là chủ thể gây ra tội “hiếp dâm” ngoại trừ với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự quy định “Tội Hiếp dâm là người nào có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu trái với ý muốn của họ”.
Luật không quy định chủ thể của tội này là nam hay nữ. Những thực tiễn xét xử chỉ có nam bị truy tố, xét xử về tội hiếp dâm. Một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không thể được loại trừ theo “luật trừ tôi” được. Do đó, nếu một phụ nữ không dùng vũ lực, hoặc cũng không đe dọa dùng vũ lực nhưng có thủ đoạn khác (lén lút dùng thuốc kích dục...) để buộc một người khác phái phải giao cấu trái ý muốn của họ thì phải bị truy tố về tội “hiếp dâm”.