Dành được giải thưởng cao nhất- giải Đặc biệt tại hội chợ khoa học Tsukuba Science Edge 2016 được tổ chức tại thành phố Tsukuba (Nhật Bản), Đào Việt Tùng (SN 1998), du học sinh Việt Nam hiện đang theo học tại trường Hawaii Preparatory Academy (Mỹ) đã vượt qua nhiều học sinh xuất sắc từ 60 trường ở các nước để chinh phục Ban giám khảo với Dự án “Đánh thức cơn buồn ngủ bằng sóng não” với mục đích thiết thực là giảm tai nạn xe cộ nhằm tránh thương vong. Cuộc thi sáng kiến khoa học công nghệ do Ủy ban Kế hoạch Khoa học Nhật Bản tổ chức mà Đào Việt Tùng tham gia dành cho học sinh trung học phổ thông trên toàn thế giới, thu hút học sinh đến từ 60 trường học trên khắp các nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Mỹ cùng trình bày về dự án đã nghiên cứu và các sáng kiến khoa học của mình với chủ đề “Ý tưởng của mọi người để mở cánh cửa khoa học tương lai”.
Mong muốn giảm thiểu tai nạn giao thông
Tranh thủ khoảng thời gian về Việt Nam nghỉ hè, trao đổi với phóng viên, Đào Việt Tùng cho biết: “Hiện nay, cơn buồn ngủ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tai nạn xe cộ. Ở Mỹ, những người lái xe buồn ngủ sẽ chịu trách nhiệm cho khoảng 100.000 tai nạn, trong đó 6.000 là con số của những vụ tai nạn trí mạng, nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do thôi thúc em làm dự án khoa học này với mong muốn giảm thiểu các vụ tai nạn xe cộ, giảm tình trạng thương vong, tổn thất không đáng có”. Bên cạnh lí do xã hội luôn thôi thúc chàng du học sinh trẻ tuổi thì việc đi du học, được học tập trong môi trường hiện đại tại nước ngoài cũng giúp Tùng có thêm nhiều cơ hội hơn trong việc thực hiện dự án.
Theo Tùng, trường Hawaii Preparatory Academy có riêng một phòng thí nghiệm năng lương (Energy Lab), có đầy đủ cơ sở vật chất, các thiết bị để làm nghiên cứu cho các dự án khoa học. “Tại đây, em được làm quen đến thiết bị EPOC+, một công cụ đo sóng não của công ty Emotiv- một trong những công ty hàng đầu về thiết bị sóng não và chính thiết bị càng khiến em có thêm tự tin làm dự án này. Nó đã giúp em rất nhiều trong quá trình nghiên cứu cơn buồn ngủ” - Tùng kể về những điều kiện giúp mình phát triển dự án.
Theo lời giới thiệu của Việt Tùng thì sản phẩm ứng dụng EEG Device là thiết bị thông minh khi đội lên đầu có thể đọc được sóng não người lái xe kết hợp với smartphone để khi tài xế buồn ngủ, điện thoại sẽ rung và chuông cảnh báo. Ngoài ra, thiết bị di động còn có thể chơi nhạc giúp cho tài xế tỉnh táo. Sản phẩm có thể kết nối GPRS và đưa ra gợi ý thông tin về quán cafe, nhà nghỉ gần đấy để tài xế có thể nghỉ ngơi, uống cafe, sẵn sàng tiếp tục cho một cuộc hành trình an toàn.
Được biết, trong quá trình nghiên cứu, để phân tích cơn buồn ngủ, Tùng đã phải thí nghiệm trên 15 bạn cùng trường bằng cách cho họ đội thiết bị EPOC+ này trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, vì thiết bị EPOC+ này có 14 cảm biến nên khá cồng kềnh, không thoải mái nên nhiều bạn bày tỏ suy nghĩ ngại sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy Tùng tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thiết bị nhỏ gọn, tiện dụng hơn.
Thành công luôn đi liền với áp lực và đam mê
Theo chàng trai 9X chia sẻ, hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình lập trình để hoàn thiện. Và do sử dụng thiết bị có sẵn EPOC+ để tiến hành nghiên cứu và phân tích cơn buồn ngủ còn lại là lập trình trên mạng điện thoại nên chi phí chủ yếu dành cho công cụ đo sóng não này tầm 800 USD kèm theo một số phần mềm nghiên cứu như: 3D Brain Visualizer hay MatLab…
Giải thưởng Đặc biệt - giải thưởng chưa từng có vào những năm trước tại Tsukuba Science Edge 2016 chính là nguồn động lực giúp cậu hoàn thành nốt dự án, đồng thời cũng là cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu và trình bày dự án khoa học cũng như kinh nghiệm du học ở bên Mỹ cho những bạn học sinh ở Việt Nam.
Với thành tích đạt được, chàng trai 9X cho biết vẫn chưa nghĩ đến chuyện ra giá cho sản phẩm mà chỉ muốn tập trung cải tiến, nghiên cứu thêm để sản phẩm đạt được độ chính xác cao trước khi nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng dù chưa đưa ra thị trường thì dự án của Tùng cũng đã được một số tổ chức Hawaii quan tâm và ngỏ lời hợp tác. Chia sẻ về dự định phát triển sản phẩm trong tương lai, Tùng nói: “ Em rất muốn sản phẩm của mình có thể đóng góp cho xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thực hiện một dự án khoa học có thể tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, trong quá trình nghiên cứu, nhiều lúc cũng thấy chán nản, nhưng chỉ cần biến nó thành đam mê, mục tiêu thì sẽ thêm yêu quá trình làm thí nghiệm, sẽ trân trọng thời gian của chính mình bỏ ra để làm dự án và sẽ quyết tâm hoàn thành nó đến cùng”.
Hiện tại, Tùng đang lập trình ứng dụng này trên Android và sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm của mình trên hệ điều hành iOS cho iPhone. Đồng thời, chàng trai 9X cũng đang ấp ủ nhiều dự định có thể được cùng công ty Emotiv sáng tạo ra nhiều ý tưởng về thiết bị EEG chuyên về mảng phát hiện cơn buồn ngủ và tiện dụng hơn trang bị cho người lái xe.