Đưa dòng nhạc cung đình đến gần du khách

(PLVN) - Nhã nhạc - dòng nhạc cung đình không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn. Hơn hai thập kỷ qua, các cơ quan chức năng, nghệ nhân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị, đưa nhã nhạc cung đình đến gần hơn với công chúng và du khách.
Biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế. (Ảnh: Thuận Hóa)

Âm nhạc bác học Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cung đình được ra đời từ lúc thiết lập Nhà nước quân chủ Việt Nam. Từ thời nhà Lý (1010 - 1225), âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được phát triển qua các triều đại nhà Trần (1225 - 1400), nhà Hồ (1400 - 1407), nhà Lê (1427 - 1788), nhà Tây Sơn (1889 - 1801) và đặc biệt phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn. Triều Nguyễn đã đưa âm nhạc vào “giáo hóa” phong tục. Dòng nhạc cung đình thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Các vua triều Nguyễn tiếp nối truyền thống thường tổ chức các buổi hòa nhạc cung đình. Trong thời nhà Nguyễn, âm nhạc cung đình được dùng trong các dịp tế lễ: Tế Đại triều, Thường triều, lễ tế Nam Giao, Tịch điền, sinh nhật vua và hoàng hậu, lễ đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần...

Nhã nhạc Việt Nam có hệ thống các bài bản rất phong phú, thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời. Chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có hàng trăm bản, đó là chưa kể đến các bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc... Các nhạc khí có những thang âm khác nhau khi trang nhã, tiếng trong tiếng đục, tiếng nhặt, tiếng khoan, khi dồn dập, khi khoan thai, khi rộn rã, khi ưu tư...

Ngày 7/11/2003, nhã nhạc được UNESCO ghi tên vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận. Sự công nhận của UNESCO được xem là động lực tạo nên đột phá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nhã nhạc.

Sự đột phá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Từ một đoàn nghệ thuật chưa tới 30 người, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế trở thành một nhà hát lớn mạnh gần 200 người với sự truyền nối, kế thừa giữa các thế hệ nghệ sĩ. Nhiều nghệ nhân có 4 đời gắn bó với nhã nhạc. Các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh cũng được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho học sinh trực tiếp tham gia các buổi tập huấn về nhã nhạc và các loại hình diễn xướng cung đình khác.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế” vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6/3/2025, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm những cứ liệu lịch sử lưu truyền trong dân gian từ các nghệ nhân, cũng như các tư liệu thành văn thất lạc trong dân gian, trong các thư viện, các viện nghiên cứu, ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước.

Những cứ liệu và tài liệu thu thập được là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học, làm cứ liệu để khôi phục lại những bài bản nhã nhạc đã bị thất truyền, đưa vào biểu diễn, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Nhiều hồ sơ khoa học về nhã nhạc có giá trị được khôi phục như: “Điều tra và lập danh mục Hồ sơ khoa học các nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu về nhã nhạc, tuồng, múa cung đình ở Huế và các vùng phụ cận”, “Bài bản nhã nhạc Tam Thiên”,…

Ông Nguyễn Phước Hải Trung chia sẻ thêm, với mục đích nâng cao nhận thức trong công chúng về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, công tác biểu diễn và quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản nhã nhạc cung đình Huế cũng được chú trọng. Hiện nay, có 4 điểm di tích thường xuyên được các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn nhã nhạc phục vụ du khách khi họ đến thăm di tích Cố đô Huế, đó là: Nhà hát Duyệt Thị Đường, sân Thế Miếu, trước cổng Ngọ Môn, sân điện Thái Hòa.

Bên cạnh đó, nhiều đợt biểu diễn nhã nhạc đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhân dịp các sự kiện lớn; tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục nhã nhạc cũng góp phần làm nên thành công của các kỳ festival Huế.