Giải được hạn chỉ 200 ngàn đồng!
Vận hạn con người khó có thể nói là không có. Tuy nhiên, theo đạo Phật thì nghiệp do chính con người tạo ra chứ chẳng phải tại ngôi sao xấu nào chiếu vào mình. Sâu xa của nó là “nhân quả”, “gieo nhân nào gặt quả đấy”, việc giải hạn là cần thiết, nhưng giải theo cách tu nhân tích đức, hướng thiện để hoá giải những nghiệp chướng do mình tạo ra. Do vậy, không thể có chuyện bỏ mấy trăm ngàn ra cúng sao thì vận hạn sẽ hết. Nếu giải hạn rẻ rúng thế thì ai cũng sẵn sàng bỏ tiền để giải nghiệp cho mình.
Nhiều người biết vậy, nhưng hà cớ gì lại lên chùa dâng sao giải hạn? Và tự thân những người tu hành biết giáo lý nhà Phật không công nhận chuyện này, thậm chí phê phán nó như một trò mê tín dị đoan, nhưng “lạ thay” nhiều chùa vẫn mặc nhiên phớt lờ nó, vẫn tiến hành các hủ tục giải hạn?
Lý giải theo mặt tích cực thì đấy là một niềm tin tâm linh mà người dân đặt vào cõi Phật, nên chư tăng ni có bổn phận giúp người dân thoả mãn niềm tin đấy, để họ an tâm sinh sống, làm việc và tạo ra sự an lạc trong tâm hồn. Nhưng lý giải này xem ra khó thuyết phục. Xem sao gắn với thuật chiêm tinh của người Trung Cận Đông và nó phù hợp với quan niệm của Đạo giáo nên gắn với Đạo giáo và bám rễ vững chắc trong cách nghĩ của người Trung Quốc và du nhập, ảnh hưởng sâu sắc trong quan niệm tâm linh của người Việt. Mà đã là Đạo giáo thì không có bất kỳ liên quan nào đến chùa chiền cả, trừ một số chùa thờ tự theo tam giáo đồng nguyên, vốn dĩ cũng không xuất hiện trong cõi Phật nguyên thủy. Vậy nên có muốn dâng sao thì đến đền, đến quán của Đạo giáo mà dâng. Từ đó, cho thấy lấy lý do nhà chùa muốn thoả mãn nhu cầu tâm linh, để bá tánh giữ được niềm tin mà đứng ra làm lễ dâng sao giải hạn là một lý giải không thuyết phục.
Đạo Phật không dâng sao, nó là việc của đạo khác, nhưng chùa vẫn dâng sao thu tiền là một biến tướng của tiếp tay cho mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Nhà chùa tiếp tay cho phù thuỷ, ma quỷ, vì lợi lộc mà bất chấp giáo luật là một biểu hiện của mạt pháp. Nếu tất cả chùa chiền đều làm việc này thì chùa biến thành đền, thành quán. Lúc đấy Đức Phật sẽ rời bỏ nơi thờ tự của mình. Chùa theo đó cũng mất thiêng. Cũng may không phải chùa nào cũng tiến hành các hủ tục này. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có những chấn chỉnh để nó chưa biến thành một vấn nạn tôn giáo. Nhưng điều cần hơn nữa, Giáo hội phải mạnh tay, xem đây là một hành vi cấm, cấm hẳn các chùa cúng dâng sao giải hạn thì mới ngăn chặn được tình trạng chùa chiền chệch choạc giáo luật, tiếp tay cho các hành vi buôn thần bán thánh.
Người dân có đức tin, đó là quyền của họ. Họ có quyền gửi gắm niềm tin tâm linh vào tôn giáo mỗi khi họ gặp những chông chênh trong cuộc sống. Nhưng đức tin không đi kèm với sự hiểu biết. Đức tin thái quá dẫn đến mê tín hay cuồng tín thì đôi lúc họ không biết rằng chính mình đang phỉ báng thánh thần. Mà điều này lại quay trở lại hại chính đức tin của họ. Vậy nên niềm tin song hành cùng sự hiểu biết, thấu đáo đạo đời thì mới mong giải được những cái hạn do mình tạo nghiệp mà ra…
Để tam bảo được hiểu theo nghĩa linh thiêng nhất
Ba báu vật của nhà Phật, đấy là Phật, Pháp, Tăng. Nhiều người đi chùa nhưng không hiểu hết ý nghĩa của Tam bảo. Đức Phật là một báu vật, giáo lý, những chỉ dẫn của Đức Phật trong kinh, tạng, luận để đạt được sự giác ngộ trên con đường tu học là báu vật thứ hai và Tăng ni, những người tu hành, như một sự “thay mặt” Đức Phật ở cõi Ta Bà để giác ngộ chúng sinh là báu vật thứ 3 trong Tam bảo.
Đức Phật đã là một đấng giác ngộ, không thể có gì làm hoen ố. Những giáo lý của Ngài để chỉ dẫn chúng sinh giác ngộ cũng đều là những chân lý cao thượng. Đáng lo ngại là những người đi tu phạm giới luật, hiểu sai giáo lý, làm méo mó giáo lý mới làm cho đạo không còn… chánh đạo.
Không thể vì một vài hình ảnh xấu trong tăng giới mà kết luận đạo Phật đang ở thời mạt pháp. Cũng không thể vì một vài hình ảnh xấu mà quy kết đạo Phật có vấn đề. Đạo không có lỗi, lỗi ở người hành đạo. Xưa nay đạo Phật mà cụ thể là hình ảnh của chư tăng, ni là biểu tượng tối cao của từ bi hỷ xả, của lòng nhân ái cao thượng, của trí tuệ, của sự chống lại tham, sân, si hướng đến những gì cao thượng nhất. Bởi vậy, mọi biểu hiện trong tăng giới đi ngược lại những điều này đều gây nên những làn sóng phản cảm, như “con sâu làm rầu nồi canh”, gây suy giảm niềm tin của bá tánh và chánh đạo.
Sư đi bar, sư nhậu nhẹt, sư quan hệ đồng tính, sư đánh nhau tưng bừng, sư giết người, sư xem bói, hầu đồng, giải hạn… đều đã có những ví dụ chứng minh không thể chối cãi. Mới nhất là hình ảnh phản cảm và đã được quay lại bằng một clip, phát tán với độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội về những người khoác áo tu hành hệ phái Nam tông choảng nhau bằng chân tay và bình bát trong một ngôi chùa ở Đồng Nai. Sự tình là, mỗi sư chỉ được bỏ một bình bát để nhận bố thí từ bá tánh, nhưng nhiều sư bỏ nhiều hơn một bình bát, bị nhắc nhở và ẩu đả xảy ra. Hình ảnh các vị khoác áo tu hành vì mâu thuẫn, vì chưa tiệt trừ lòng tham lao vào ẩu đả nhau trong chùa gây ra một sự phản cảm ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm của đạo pháp và hình ảnh của các nhà sư, vốn là một báu vật trong tam bảo. Tuy nhiên, sau khi có thông tin này, trụ trì chùa cho rằng đấy là những kẻ giả danh trà trộn vào chùa để trục lợi.
Đừng để Phật bỏ loài người
Xây chùa thật to mà không có đức tin, không có sự tôn kính. Ở đấy không có Phật. Xây chùa thật to mà không vì hoằng dương đạo pháp, không vì bá tánh chúng sanh, chỉ chăm chăm vào mục đích kinh doanh thần thánh. Ở đấy không có Phật. Chùa có sư mà sư không tuân thủ giáo lý, hay lạm dụng việc thờ tự kiểu tam giáo đồng nguyên, nhưng lại chăm chú lên đồng, dâng sao giải hạn. Ở đấy không có Phật. Chùa có sư nhưng sư đi tu như một nghề kiếm tiền, sư phạm giới, sư đánh nhau. Ở đấy không có Phật.
Đức Phật ở trong tâm, đức Phật ở những nơi linh thiêng, tôn kính, ở những ngôi chùa có các bậc chân tu. Nếu điều này không trở thành dòng chảy chính trong tâm thức thì… Đức Phật sẽ từ bỏ loài người!