1. Nguyễn Đình Thắng đã cất giữ ký ức như báu vật. “Thỉnh thoảng đọc những trang viết đã ố vàng, nhàu nát, tim tôi không kìm nén được cảm xúc tuôn trào, ngực vẫn còn nghẹt thở. Những kỷ niệm, sự kiện như đang hiển hiện ra trước mặt mình”, ông chia sẻ.
Sau khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian “dịch” lại những trang viết trong chiến hào xưa và in thành sách. “Trong chiến tranh, vì sự nghiệp giải phóng đất nước, hàng triệu thanh niên nhập ngũ ra chiến trường. Đi qua 3 chiến dịch lớn Xuân hè 1972, Tổng tiến công mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không phút nào nghỉ ngơi. Tôi tự hào là một trong những người lính đó”.
“Xuất bản “Nhật ký người lính”, tôi muốn tri ân những đồng đội đã ngã xuống, tri ân những người dân đã đùm bọc, chở che và muốn cung cấp thêm những sự kiện của người trong cuộc. Quan trọng hơn, muốn lớp trẻ sau này biết nâng niu xương máu của cha anh”, Nguyễn Đình Thắng xúc động. “Nhật ký đời lính” của Nguyễn Đình Thắng được ghi tại mặt trận, suốt từ năm 1972 đến 1975, gồm hơn 300 trang in.
Người dân đổ ra hai bên đường quan sát đoàn quân tiến vào Sài Gòn. |
Đây là giai đoạn ác liệt và quyết liệt nhất của chiến tranh, đặc biệt là với bộ binh, giữa ta và đối phương chiến hào chỉ cách nhau trên dưới trăm mét. Trên đường hành quân của người lính bộ binh Nguyễn Đình Thắng, phía Đông Trường Sơn, dọc duyên hải miền Trung mịt mù khói lửa và dưới đạn bom không kích của Mỹ - quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
“Ngày 24/8/1972, chúng tôi vượt sông Bến Hải vào lúc xế chiều. Tạm biệt miền Bắc thân yêu, chúng tôi đã đặt chân đến miền Nam. Những cánh rừng tan hoang, lưa thưa vài gốc cây trơ trụi... Suốt ngày ẩn mình dưới cỏ. Trên đầu máy bay trinh sát OV-10 quần đảo” (trang 51).
“Ngày 4/9/1972, nửa đêm tiểu đoàn tôi được lệnh tập kích phía Bắc chợ Sãi nhằm chia lửa với E95 đang gồng mình trấn giữ Thành cổ Quảng Trị” (trang 57).
Chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều thành tích, sau Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, Nguyễn Đình Thắng được nhận Huân chương Chiến công. Đích thân Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh mặt trận Trị Thiên Cao Văn Khánh trao cho ông.
Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. |
Đồng đội của Nguyễn Đình Thắng là cựu chiến binh Phạm Việt Khiêm tâm sự: “Anh Nguyễn Đình Thắng nổi tiếng trong Đại đội và cả tiểu đoàn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Cửa Việt. Ai cũng gọi anh là người độc đáo, hàng chục lần thoát chết kỳ lạ”.
2.Nhiều trang viết của Nguyễn Đình Thắng cho thấy sự khốc liệt, chiến tranh không bao giờ là trò đùa: “Ngày 17/01/1973, địch ào lên tấn công. Hai xe tăng địch tràn lên phía trước trận địa tiểu đội tôi khoảng 50m. Có lẽ Thụ di chuyển dưới đường hào về phía địch, bị xe tăng phát hiện. Pháo bắn thẳng quá gần. Thụ bị trúng đạn, xác bay lên cao cả chục mét, máu bắn cả vào người tôi.
Thụ hy sinh, B40 không còn, là một tổn thất lớn đối với chúng tôi. Lấy gì bắn xe tăng? Tiếp đến Kỳ bị mảnh đạn găm vào trán, máu chảy lênh láng. “Chạy thôi anh Thắng ơi, Thụ chết mất rồi”. Tôi vít đầu Kỳ xuống. “Không thể được. Nằm sát xuống”. Vừa hô, tôi tháo cuộn băng, băng chặt trán cho Kỳ. Chỉ còn hai tay súng AK là tôi và Lập đánh chắn cả mũi tiến công của quân địch” (trang 85).
Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 được tái hiện qua từng trang viết của Nguyễn Đình Thắng, bởi anh có mặt trên nhiều chiến trường. Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
Nguyễn Đình Thắng trước cửa Dinh Độc lập, tháng 4/1975. |
“Ngày 26/4/1975, bộ đội chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới... Chúng tôi thuộc đội hình Quân đoàn 2, mũi tiến công cánh Đông, đánh thẳng vào Sài Gòn. Ai cũng náo nức thi đua cắm cờ trên Dinh Độc lập”. “Ngày 30/4/1975, đơn vị tôi nhanh chóng vượt sông Đồng Nai, tại bến phà Cát Lái, tiến thẳng về Sài Gòn” (trang 222-223).
Chiến thắng dù đến rất gần, nhưng không hề dễ dàng. “Ngày 27/4/1975, đơn vị tôi bị tổn thất nặng. Tiểu đội trưởng Máy vừa dẫn tiểu đội xông lên thì bị đại liên địch bắn xối xả. Cả tiểu đội bị thương vong...Ta giằng co với địch từng góc phố, từ sáng đến chiều, quận lỵ Long Thành mới được giải phóng... Chiến tranh thật khốc liệt... Từ ngày vào chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đây là lần đầu tiên tiểu đoàn tôi gặp trận chiến đấu khó khăn và ác liệt nhất” (trang 221).
Dù khốc liệt và tổn thất, nhưng những người lính Cụ Hồ luôn vững niềm tin chiến thắng. Chính nhà thơ Vương Cường, một đồng đội của Nguyễn Đình Thắng, có mặt vào lúc vượt sông Đồng Nai đã viết: “Mặt trời sẽ lên thôi/chúng tôi đẩy mặt trời lên/để nhìn rõ Sài Gòn phía trước/để viên đạn bay đi khỏi lạc/bầy chim xòe quạt đón mặt trời” (Khi ấy mặt trời chưa lên). Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, niềm tin chiến thắng và khát khao vì độc lập dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh cho họ.
Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, nhà thơ Vương Cường, Nguyễn Đình Thắng (từ phải sang) gặp nhau năm 2018. |
Qua 20 ngày đêm chiến đấu kể từ Chiến dịch Tây Nguyên, 10h45’ ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt toàn bộ Nội các chính quyền Sài Gòn, đến 11h30 cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trên những trang viết của Nguyễn Đình Thắng, bên cạnh sự khốc liệt, sống và chết của chiến tranh, người đọc xúc động về tình đồng chí, đồng đội, mối quan hệ máu thịt quân - dân, tiền tuyến - hậu phương.
Nguyễn Đình Thắng dành hơn một phần ba dung lượng để nói về ân tình. Đó là những trang viết về quê hương, đất nước; về ông bà, cha, mẹ; đồng đội, bạn bè, người yêu của lính. Huấn là người bạn gái biết hy sinh, chờ đợi anh qua hàng ngàn ngày, sợi dây nối liền hậu phương với tiền tuyến của người lính. Cô chờ đợi người lính Nguyễn Đình Thắng khi còn là sinh viên sư phạm, biết lắng lo, sẻ chia với người lính để Nguyễn Đình Thắng vượt qua những cơn sốt rét...để sau ngày chiến thắng trọn nghĩa phu thê.
Tình yêu giữa Huấn và anh bộ đội Nguyễn Đình Thắng qua những trang viết xúc động. Nó không còn là tình yêu nam nữ của môt lứa đôi mà đó là sự thủy chung của một thế hệ, một trong những nguyên nhân giúp người lính mạnh mẽ, biết chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn, tự do và độc lập của dân tộc.
Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, cựu chiến binh vốn cùng một đại đội bộ binh với Nguyễn Đình Thắng nhận xét: “Tôi cho rằng Nhật ký đời lính không chỉ là ghi chép sự kiện mà cao hơn thế Nguyễn Đình Thắng đã gửi trọn hồn mình vào con chữ với đầy đủ sắc thái buồn đau và hạnh phúc, sự lạc quan và hy sinh cao cả vì độc lập tự do và thống nhất đất nước của một thế hệ trai tráng, nhiều người trong số đó đã hiến dâng đời mình, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ”. Chính anh sau này đã có những câu thơ xúc động nói về điều này “Sống sót qua chiến tranh/ Với cha là đã lãi/ Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh” (Nói với con về tổ ấm).