Gấp rút lên phương án bảo vệ tàu thuyền, di dời dân, xả tràn hồ chứa... để ứng phó bão

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5 (bão CONSON) trên biển Đông, các tỉnh ven biển miền Trung hôm nay gấp rút lên kế hoạch neo đậu tàu thuyền, di dời dân, xả tràn hồ chứa... để chủ động ứng phó với mưa to sóng lớn, ngập úng, sạt lở đất do mưa bão.
Nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở tại Quốc lộ 9C (địa phận xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) trước bão.
Nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở tại Quốc lộ 9C (địa phận xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) trước bão.

Tại Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương rà soát phương án sơ tán dân. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm tra. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và sơ tán dân an toàn, đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng liệt kê nhiều khu vực giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 16 có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 5 để các đơn vị có kế hoạch cụ thể về việc hỗ trợ người dân ứng phó với bão. Tại các địa phương vùng biển, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 5 đã sẵn sàng. Chính quyền lên phương án cụ thể sơ tán dân từng khu vực vừa đảm bảo phòng chống thiên tai và an toàn chống dịch.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc vừa phòng chống bão vừa đảm bảo phòng chống dịch đặt ra nhiều khó khăn hơn, riêng các F0 đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung thì đây là những cơ sở kiên cố và có lực lượng quân đội, công an... nên đảm bảo an toàn. Còn những người theo dõi y tế tại nhà, các địa phương cách ly theo các chỉ thị của Chính Phủ thì thực hiện “4 tại chỗ”, nếu một số trường hợp buộc phải di dời phải đảm bảo 5K của Bộ Y tế.

Trước đó, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện về việc ứng phó với bão số 5, trong đó, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; Tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đến 14h ngày 10/9 kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.

Tỉnh Quảng Bình lên kế hoạch dự kiến sơ tán hơn 29.000 hộ với hơn 108.000 người dân ở các khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông khi bão mạnh đổ bộ và di dời gần 5000 hộ với hơn 1.800 người tại 19 xã có nguy cơ cao sạt lở đất.

Trong những ngày qua, tỉnh Quảng Bình có mưa lớn, dự báo trong thời gian tới tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng thấp trũng. Địa phương đã vận động nhân dân chủ động cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố nhà ở, các công trình công cộng, tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền nhỏ vào khu vực an toàn.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền nhỏ vào khu vực an toàn.

Đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng Roòn, Cửa khẩu Cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão và tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú. Hiện toàn tỉnh có hơn 6.600 tàu thuyền neo đậu tại các vị trí an toàn.

Tỉnh Quảng Bình đã thu hoạch 13.400ha lúa, đạt tỷ lệ 87%, vẫn còn hơn 7.000ha rau màu chưa được thu hoạch, hơn 3.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Nông dân tỉnh Quảng Bình đang tranh thủ gặt lúa “chạy đồng”, giảm tối đa thiệt hại cho vụ hè-thu do mưa bão. Tất cả các hồ chứa trên địa bàn có dung tích đạt trung bình 33%.

Người dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hối hả cứu lúa trước khi bão CONSON đổ bộ

Người dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hối hả cứu lúa trước khi bão CONSON đổ bộ

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu. Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.

Tại Hà Tĩnh, nhiều hồ chứa nước, công trình thủy lợi lớn trên địa bàn sẽ xả tràn đảm bảo an toàn cho công trình cũng như vùng hạ du đối phó với nguy cơ mưa lớn do bão CONSON. 4 hồ chứa nước lớn gồm: Kim Sơn, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi sẽ được xả tràn.

Theo Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh, vào lúc 7h ngày 10/9, mực nước hồ Tàu Voi (thị xã Kỳ Anh) ở cao trình 13,95m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 5 – 20 m3/s. Mực nước hồ Kim Sơn (thị xã Kỳ Anh) lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 96,16m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 10 – 30 m3/s.

Mực nước hồ Bộc Nguyên (huyện Cẩm Xuyên) lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 19,10m; việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9 với lưu lượng 10 – 70 m3/s. Mực nước hồ Thượng Sông Trí (thị xã Kỳ Anh) lúc 7h ngày 10/9 ở cao trình 27,95m; việc xả tràn bắt đầu từ 14h ngày 11/9 với lưu lượng 20 – 50 m3/s.

Để đảm bảo an toàn khi các hồ xả tràn, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh đã thông báo cho các huyện, thị xã, thành phố và các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp do xả lũ, khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

Sáng 10/9, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra tình hình phòng chống bão lụt tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang.

Tại 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang có hơn 100 đập và hồ chứa lớn nhỏ. Hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, chất lượng kỹ thuật không đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng. Một số hồ có nguy cơ mất an toàn và không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 2 địa phương có số lượng hồ, đập lớn nên cần khảo sát kỹ để có giải pháp gia cố, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn. Đặc biệt, công tác vận hành xả lũ phải được thực hiện tốt trong mọi tình huống, đảm bảo quy trình liên hồ chứa (đặc biệt là việc kết hợp giữa hồ thuỷ điện Hố Hô và hồ thuỷ điện Ngàn Trươi). Cần chủ động tính toán để xả lũ sớm các hồ, đập nhằm đối phó với nguy cơ mưa lớn gây ngập úng do bão CONSON.

Tỉnh Thanh Hoá cũng chủ động các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã ban hành 2 Công điện chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các phương án, giải pháp để ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 6.700 phương tiện nghề cá, với gần 25.000 lao động. Đến đầu giờ sáng nay đã có hơn 6.000 phương tiện, với 21.000 lao động về bến neo đậu an toàn, hiện còn gần 600 phương tiện đang hoạt động trên biển. Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về bão Côn Sơn, thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 2 lần/ngày.

Để chủ động phòng tránh bão, tất cả các đồn biên phòng tuyến biển của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng, gia đình tiếp tục thông báo, kêu gọi, kiểm đếm; đồng thời, hướng dẫn cho các chủ phương tiện vào nơi trú đậu, chằng chống tàu thuyền.

Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thị sát chống bão tại Tp Sầm Sơn
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thị sát chống bão tại Tp Sầm Sơn

Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa luôn thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và hướng di chuyển của bão Côn Sơn để thông báo cho nhân dân và các chủ phương tiện chủ động phòng tránh.

Các địa phương tỉnh Thanh Hoá đã lên phương án sơ tán hàng nghìn hộ dân tránh trú bão. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc di dân vừa kịp thời nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu, tất các ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tối đa nhân, vật lực cho công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão; phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị. Đối với các hộ dân thuộc vùng có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt tiến hành cảnh báo, di dời sớm; đồng thời tổ chức xét nghiệm cho tất cả các công dân thuộc diện di dời, xét nghiệm xong trước 18h ngày 10/9.

Đối với các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội: Thực hiện việc sơ tán dân theo các phương án đã được xây dựng, phê duyệt từ đầu năm, đảm bảo tuân thủ thông điệp “5K” trong phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội: Hạn chế đến mức tối đa việc sơ tán tập trung; ưu tiên việc chằng chống, gia cố an toàn nhà cửa, chuẩn bị phương tiện (thuyền, áo phao), lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”. Trường hợp bắt buộc phải sơ tán tập trung, cần tuân thủ thông điệp “5K” trong phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của cấp có thẩm quyền.

Các tầu thuyền khẩn trương được kêu gọi về nơi neo đậu an toàn
Các tầu thuyền khẩn trương được kêu gọi về nơi neo đậu an toàn

Tỉnh Thanh Hoá thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để ứng phó với những tình huống xấu tại huyện Quan Hóa và 1 địa phương ven biển dự kiến bão đổ bộ. Tổ công tác do ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành đã chỉ đạo các địa phương rà soát, chủ động xây dựng các phương án ứng phó bảo đảm an toàn về mọi mặt, nhất là công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều tại những vị trí xung yếu, các công trình dở dang. Phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn 24/24h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão.

ông Mai Xuân Liêm phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác chống bão Conson tại huyện Vĩnh Lộc
ông Mai Xuân Liêm phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác chống bão Conson tại huyện Vĩnh Lộc

Ông Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, huyện Vĩnh Lộc yêu cầu các ban, ngành, 13 xã, thị trấn triển khai phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 50% diện tích lúa mùa. Đồng thời, huyện cũng chuẩn bị đầy đủ các phương án để chủ động bảo vệ an toàn các công trình đê, kè, cống xung yếu.

Ông Nguyễn Đức Thịnh Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, huyện đã khẩn trương hoàn thành test nhanh đối với người dân trong vùng nguy cơ cao ngập lụt, đã lên phương án sơ tán người dân khu vực mép nước; tranh thủ gặt lúa đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Những địa phương đang phong toả thì phải có phương án hỗ trợ người dân thu hoạch lúa ngoài đồng.

Đọc thêm