Giả "con cháu các cụ" lừa tiền xe ôm

(PLO) - Bác xe ôm Lê Văn Thắng (SN 1953, ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) thân thiết với vị khách tự giới thiệu tên Cường đang công tác ở Cục quản lý đường bộ (thuộc Bộ GTVT). Tỏ ra tốt bụng, vị “cán bộ” hứa hẹn sẽ dành cho gia đình ông Thắng 1 ki ốt bán hàng trong bến xe Mỹ Đình. Sau khi nhận được 8 triệu đồng tiền "bôi trơn" của ông Thắng, đối tượng đã biến mất.
Ông Thắng thuật lại chuyện mình bị mắc lừa
Ông Thắng thuật lại chuyện mình bị mắc lừa

“Cán bộ tốt bụng” bán ki ốt trong bến xe với giá bèo?

Ông Thắng vốn cán bộ ngành xây dựng về hưu nhiều năm, để có thêm thu nhập đồng thời tạo niềm vui tuổi già, ông xách xe máy ra đầu ngõ đường Phạm Hùng (Hà Nội)chạy xe đã 3 năm nay. Hồi tháng 3/2014, ông Thắng gặp gỡ người đàn ông trạc tuổi 40, đầu hói, da ngăm đen. 
Sau nhiều lần trò chuyện, hai người dần dần thân thiết. Hằng ngày, ông Thắng đón khách ở cổng làng Đình Thôn (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm)  chở đến bến xe Mỹ Đình. Có lúc, khách yêu cầu chở đến trụ sở Cục đường bộ. Vị khách giới thiệu mình tên Cường “đang công tác ở Cục đường bộ, là con cháu của cán bộ cấp cao ở Bộ GTVT”. Cường thường xuyên đeo túi da, thi thoảng lật xem tập hồ sơ dày cộm mang theo ra vẻ bận rộn.
Cường cho rằng mình quê ở Thái Bình, đã có vợ con nhưng đang thuê trọ ở làng Đình Thôn để tiện công việc nhận thầu dự án cải tạo bến xe Mỹ Đình. Từ chỗ khách bình thường, ông Thắng và Cường dần trở nên thân thiết. 
Ông bộc trực tâm sự với khách về hoàn cảnh gia đình: “Tôi kể thật nhà chỉ có hai vợ chồng đều cán bộ hưu và cô con gái út năm nay sẽ tốt nghiệp đại học. Do hoàn cảnh khó khăn nên ra đứng đường chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập”. 
Quen nhau hơn tháng, trong lúc trà đá chuyện trò, vị khách tỏ vẻ đồng cảm với bác xe ôm và mở lời: “Hiện trong bến xe có rất nhiều ki ốt bán hàng, người đấu thầu nhiều lắm. Hồ sơ đã chồng đầy nhưng vì thương chú khó khăn, cháu sẽ xin cho chú một ki ốt”.
Mừng quýnh, ông Thắng cảm ơn ríu rít. Cũng từ hôm đó, ông đưa đón vị khách “tốt bụng” miễn phí. “Tôi đang nhờ vả người ta, vả lại đoạn đường khá gần, bình thường lấy giá 10 ngàn đồng/lượt nên xem như trả ơn”, ông Thắng nhớ lại.

Đến ngày 4/5, “cán bộ” Cường chủ động gọi điện cho bác xe ôm bảo chuẩn bị 3 triệu đồng để “đi nói chuyện với cấp trên về việc xin ki ốt”. Đưa tiền xong, ông Thắng bị “cán bộ” vội vã đuổi về nhà với lí do: “Các sếp đang đợi, cháu phải vào nhanh còn kịp”. Hôm sau, vị khách “tốt bụng” tiếp tục gọi điện trấn an ông Thắng: “Mọi việc đã xong xuôi chú nhé”.

Từ hôm đưa tiền xong, ông Thắng vẫn đón đưa “cán bộ” đi làm đều đặn. Sau đó vài hôm, vị khách lại gọi điện cho ông gợi ý: “Ki ốt đã có nhưng chú muốn vị trí đẹp phải lo thêm 5 triệu cho các sếp duyệt. Số tiền này thực chất đóng phí xây dựng ban đầu chứ chẳng phải hối lộ gì đâu”. Nghe có lí nên ông Thắng nhận lời ngay.
Cũng như lần trước, ông về nhà vay mượn bạn bè mỗi người một ít góp lại bỏ vào bao thư đưa cho “cán bộ” Cường. Nhận tiền xong, vị “cán bộ” hứa sẽ lấy biên nhận đem về đưa cho ông Thắng yên tâm. Chưa hết, Cường còn yêu cầu bác xe ôm khẩn trương photocopy, xin chứng thực giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu để nộp hồ sơ theo quy định. Ông Thắng mất cả ngày trời làm xong thủ tục giấy tờ với hy vọng nhận ki ốt đúng ngày.

Chiêu lừa tinh quái

Để tỏ lòng biết ơn, ông Thắng mời “cán bộ” Cường hôm nào mát trời về nhà ăn thịt cầy, vị “cán bộ” nhận lời ngay. Một ngày cuối tháng 6/2014, Cường gọi điện cho bác xe ôm bảo hôm nay mát trời sẽ ghé nhà chơi. Chủ nhà vội vàng làm cơm tiếp đãi khách. 
Đến nhà, người đàn ông tiếp tục “hào phóng” sẽ xin việc cho con gái chủ nhà sắp tốt nghiệp. Cường nói nếu người lạ xin vào Cục sẽ mất cả trăm triệu, nhưng do ông Thắng khó khăn, lại chỗ quen biết nên sẽ không đặt nặng vấn đề tiền bạc.

Rồi từ hôm đó trở đi, ông Thắng không thấy vị khách quen thuộc ra đón xe đi làm như mọi khi. Cảm thấy bất an, lo lắng số tiền đã đưa cho Cường bị mất trắng, ông Thắng gọi điện nhắc khéo nhưng Cường không nghe máy mà nhắn tin trả lời: “Cháu đang đi nghỉ mát ở xa với gia đình, tuần sau mới về, việc của chú đã lo xong”. Từ đó đến nay, ông Thắng không thể liên lạc được với vị “cán bộ” nữa. Nhiều lần gọi điện đều “ò í e”.

Sốt ruột, bác xe ôm chạy xe đến những điểm trả khách mọi ngày tìm kiếm nhưng không thấy bóng dáng vị “cán bộ” đâu. Ông cũng thường xuyên lui tới trụ sở Cục đường bộ, bến xe Mỹ Đình với dò hỏi tìm gặp “cán bộ” Cường nhưng không ai hay biết ông Cường là ai. Lúc này ông mới chắc chắn mình đã mắc lừa. 
Một số người ở bến xe Mỹ Đình cung cấp thêm cho ông Thắng, đối tượng tự giới thiệu cán bộ Cục đường bộ thường xuyên khoe những xấp tiền ra vẻ giàu có. Một số người đoán Cường có thể là đối tượng tham gia đường dây cá cược bóng đá hoặc thầu lô đề.
Xâu chuỗi lại quá trình giao tiếp sau 3 tháng quen biết “cán bộ” Cường, ông Thắng khẳng định người này đích xác “siêu lừa”. Có lần, đang ngồi uống nước chung, ông Thắng móc ví trả tiền, nhanh như chớp, vị “cán bộ” thò tay vào ví lấy luôn xếp tiền lẻ bảo có việc gấp “mượn” tạm. Đã thế, Cường còn “nổ”: “Mỗi lần cháu lĩnh tiền đều trên dưới vài trăm triệu. Ít bữa nữa nhận tiền cháu đưa chú vài triệu chứ trong ví chỉ vài đồng lẻ thế này thôi à”. 
Càng suy ngẫm, ông Thắng càng tỏ thái độ bực tức, tự trách bản thân quá tin người chứ trong thời gian quen biết, Cường có rất nhiều biểu hiện đáng nghi mà ông bỏ qua. Chẳng hạn như mỗi lần đón xe ôm, Cường không lên xe ngay ở chỗ đông người mà đi bộ cách xa vài trăm mét rồi mới lên xe.
Lúc xuống xe cũng vậy, vị “cán bộ” không vào hẳn trong bến Mỹ Đình hay trụ sở Cục đường bộ mà đều yêu cầu dừng xe gần đó do “có hẹn khách ngoài quán cà phê đối diện trụ sở”.
Tuy nhiên điều khiến bác xe ôm lo lắng nhất không phải khoản tiền 8 triệu đồng đã giao nộp đối tượng lừa đảo mà là bộ hồ sơ có công chứng giao kèm. Ông Thắng lo lắng, nếu kẻ gian sử dụng giấy tờ của mình vào mục đích xấu sẽ bị vạ lây, dính líu đến pháp luật. Cũng qua trường hợp chính mình, bác xe ôm mong muốn mọi người nâng cao cảnh giác, tránh rơi vào tình cảnh như mình./.

Đọc thêm