Giải trí thật trên thế giới ảo

(PLVN) - Vui chơi, giải trí là một trong những nhu cầu chính đáng của giới trẻ sau những giờ học căng thẳng. Mỗi người sẽ lựa chọn một cách để giải trí khác nhau phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Với sự phát triển của thời kì “xã hội hóa Internet”, chúng ta dễ dàng nhận thấy vui chơi, giải trí của nhiều bạn trẻ tất cả trong một chiếc smartphone có kết nối Internet. Giới trẻ đang thích sống thật trên thế giới ảo hơn là việc ra ngoài vui chơi....?
Hoạt động thể dục thể thao của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sau giờ học tại KTX Mễ Trì.
Hoạt động thể dục thể thao của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sau giờ học tại KTX Mễ Trì.

Đi học rồi đến nơi làm thêm, hoặc về nhà và lên “thế giới ảo”...

Khi rào cản công nghệ được phá vỡ cũng là lúc mà khi nhắc đến xu hướng giải trí của giới trẻ là người ta nghĩ ngay đến giải trí online.

Khác với tuổi trẻ thế hệ 7x, 8x, sau giờ học là khoảng thời gian bạn bè được tụ tập, trò chuyện và cùng vui chơi, bạn trẻ ngày nay họ không mấy mặn mà với điều đó mà đã biến thời gian giải trí đó thành lúc để kiếm tiền hoặc về nhà và “gắn bó” với chiếc điện thoại thông minh của mình. Các hình thức giải trí hiện nay của giới trẻ đa phần mang tính tự phát.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng hy sinh giờ giải trí của mình, lựa chọn làm thêm để có kinh nghiệm cũng như kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình trong các khoản chi tiêu hàng tháng. Đối với nhiều bạn trẻ khác, họ tham gia các hoạt động của câu lạc bộ (CLB) trong trường, hay ngoài xã hội. CLB là nơi các thành viên cùng học tập, làm việc và cùng vui chơi. 

Còn nhiều bạn sinh viên, học sinh khác, sau khi về nhà và dành thời gian đó cho “thế giới ảo”. Họ lao vào những trò chơi trực tuyến, những bộ phim, những chap truyện online. Nếu không thì họ sẽ lựa chọn ra quán net, nơi có những trò chơi chơi là nghiền, chơi thâu đêm suốt sáng, bất chấp có giờ học trên lớp vào ngày hôm sau.

Không dừng lại ở game, phim hay truyện online, nhiều bạn trẻ  giải trí bằng cách “sống ảo” trên mạng xã hội, các ứng dụng giải trí trực tuyến như: Facebook, Youtube, Instagram, Zalo, Tiktok... Liên (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tâm sự: “Tôi sống ở ký túc xá (KTX) không phải nấu ăn nên về phòng thì chỉ nằm lướt facebook, nghe nhạc, nhắn tin với các bạn. Chán thì xem Youtube. Thỉnh thoảng khi mua được sách mới tôi cũng có đọc sách. Sân của KTX có chỗ để chúng tôi ngồi nói chuyện nhưng dưới đó ồn quá tôi không thích, ở trên phòng lướt facebook cảm thấy thoải mái hơn”. 

Một bạn cùng phòng với Liên nói thêm: “Chúng tôi ở trên phòng cũng nói chuyện được với nhau mà, lướt newfeed thấy có cái gì hay là mấy đứa lại cùng bàn tán, cũng vui. Lướt mạng xã hội cuốn lắm, tôi chỉ định xem một chút rồi học bài, nhưng lần nào cũng vượt quá giờ kế hoạch đưa ra. Phần lớn thời gian sau khi đi học, tôi dành cho mạng xã hội”.

Các bạn trẻ đang có xu hướng dành thời gian cho việc vui chơi, giải trí trên mạng xã hội nhiều hơn thời gian vui chơi ngoài hiện thực. Nếu không quá sa đà, lạm dụng và biết chọn lọc nguồn tin thì mạng xã hội là môi trường giải trí hấp dẫn, sôi động và lành mạnh cho giới trẻ.

Buổi sinh hoạt và tập luyện của Câu lạc bộ Vovinam tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
 Buổi sinh hoạt và tập luyện của Câu lạc bộ Vovinam tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Cho dù các bạn trẻ có cùng ra ngoài uống trà chanh, tụ tập vui chơi thì thật không khó để bắt gặp hình ảnh cùng ngồi một bàn uống nước nhưng thân ai nấy lo với việc dán mắt vào màn hình điện thoại. Dù vui chơi ngoài cuộc sống thực nhưng tinh thần giải trí vẫn chủ yếu là trên mạng xã hội. Điểm đáng chú ý là thời gian và loại hình giải trí trong thế giới thực đang bị các bạn trẻ co hẹp và chuyển dần sang thế giới ảo.

Những không gian giải trí nào cho giới trẻ hiện nay

Nhu cầu vui chơi, giải trí của sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung hiện nay rất phong phú, đa dạng từ địa điểm, loại hình cho đến thời gian vui chơi. Tuy nhiên, thực tế thực sự mới đáp ứng được một phần nhu cầu giải trí, vẫn còn thiếu những nơi dành cho giới trẻ giải trí lành mạnh.

Mỗi trường đại học đều có các CLB, Đoàn sinh viên, Hội sinh viên. Đó là nơi cho sinh viên được thể hiện mình, được học tập rèn luyện kỹ năng, được vui chơi, giải trí lành mạnh. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay có khoảng 13 CLB và hàng tháng, hàng năm Nhà trường, Đoàn sinh viên và Hội sinh viên đều tổ chức các cuộc thi, các đợt tình nguyện. Qua đó, cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu học tập, giải trí của sinh viên, giới trẻ của Trường.

Hay tại KTX Mễ Trì của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã nỗ lực tạo dựng, luôn đổi mới khuôn viên cho sinh viên và thành lập các CLB cho sinh viên như: CLB Tiếng anh, CLB Xanh, CLB Tiếng Việt.

Không chỉ trong trường học, ngoài xã hội vẫn còn nhiều tổ chức, sân chơi và địa điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ. Có rất nhiều nhóm, CLB cùng sở thích hay các tổ chức tình nguyện phi chính phủ cũng là một loại hình được giới trẻ ưa thích hiện nay. Tham gia các hoạt động mình thích, giúp các bạn được thoải mái vui chơi, không bị gò bó bởi nội quy của trường.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ, một vài địa điểm, loại hình vui chơi lành mạnh khác mà giới trẻ có thể tham gia như: Các trung tâm thương mại, các khu tổ hợp mua sắm, vui chơi, rạp chiếu phim, các quán cà phê, các điểm di tích lịch sử, bảo tàng, phố đi bộ, công viên. Gần đây, giới trẻ Hà thành rầm rộ nhiều điểm vui chơi, chụp ảnh “sống ảo” như: Bãi đá sông Hồng, Aeon Mall Hà Đông, đặc biệt là hẻm bia Lost in Hong Kong. 

Một số bạn trẻ khác lại chọn cho mình cách giải trí là tìm đến các nhà sách lớn, thư viện hay hội sách để vừa tìm mua sách, vừa đọc sách. Nhiều nhà sách, nhà xuất bản cũng thường xuyên tổ chức các Hội sách giảm giá, những đợt xả kho, thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia.

Không cần thiết phải đến khu vui chơi, các trung tâm giải mua sắm để giải trí, giới trẻ hoàn toàn có thể tự tạo cho mình những hoạt động giải trí như: Đọc sách, thể dục thể thao, dành thời gian cho những sở thích cá nhân: Vẽ, viết lách,... tại nơi mình sinh sống.

Khi nhịp sống càng trở nên công nghiệp, vội vã hơn thì nhu cầu giải trí ngày càng nhiều và trở nên quan trọng hơn. Nhà trường, xã hội cũng đang xây dựng môi trường giải trí lành mạnh phục vụ giới trẻ. Còn việc lựa chọn các loại hình giải trí sao cho phù hợp còn tùy thuộc vào mỗi bạn trẻ. “Tôi thấy ngày càng có nhiều chỗ để các bạn trẻ như mình tụ tập, đi chơi.

Nhưng tôi đi học cả ngày, về nhà chỉ muốn ngủ thôi. Cuối tuần bạn bè có rủ đi chơi ở đâu thì đi, không thì tôi sẽ ở nhà, có khi đọc sách, hoặc đọc blog, có ngày chỉ lướt facebook cũng hết ngày cuối tuần” Nhung (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ. 

Tuy nhiên, không phải loại hình, không gian giải trí nào cũng phù hợp với tất cả các bạn trẻ; các tổ chức Đoàn, Hội sinh viên, CLB không phải lúc nào cũng đủ kinh phí và ý tưởng để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích. Và không phải lúc nào các bạn trẻ cũng đủ tiền và thời gian để tham gia các hoạt động giải trí ở các CLB, các điểm vui chơi. 

Có vẻ các bạn trẻ sống thật hơn qua màn hình...

Sau tất cả các cuộc vui chơi, tụ tập cùng bạn bè, các bạn trở về với cuộc sống riêng và tiếp tục dành phần lớn thời gian còn lại cho “thế giới ảo”, cho mạng xã hội.  

Những bức hình đã chụp, cùng với đôi dòng status được đăng tải khiến các bạn trẻ mất hàng giờ đồng hồ để ngồi trả lời comment, tám chuyện cùng bạn bè qua các ứng dụng chat miễn phí. Một phần mạng xã hội, ứng dụng giải trí trực tuyến, các diễn đàn, các blog giúp giới trẻ dễ dàng thể hiện cảm xúc, bày tỏ quan điểm, dễ thành “anh hùng bàn phím” hơn là bày tỏ trực tiếp ở cuộc sống thực; một phần là giải trí tiêu khiển, giết thời gian.

Hẻm bia Lost in Hong Kong đang thu hút giới trẻ đến chụp hình, ăn uống và trò chuyện.
Hẻm bia Lost in Hong Kong đang thu hút giới trẻ đến chụp hình, ăn uống và trò chuyện. 

Có lẽ không quá khi nói rằng “thế giới ảo” đang nâng tầm “giá trị” của giới trẻ hơn thế giới thực. Và ở đó, nơi mà các bạn được sống “thật” với chính mình giới trẻ có thể thoải mái thể hiện bản thân, “ảo tưởng sức mạnh” và thoải mái “chém gió”. Thế giới đó đưa sinh viên, đưa thanh niên, đưa giới trẻ “sang” một thế giới khác, đôi khi biến họ thành người khác.

Thậm chí, nhiều bạn thay vì học bài, đọc báo, đọc sách chính thống thì họ lên “thế giới ảo” như một thói quen, “nhiều lúc tôi lên mạng chỉ lướt newfeed có tin gì mới không, có ngày tôi lướt rồi xem video trên mạng đến 2-3 giờ sáng là bình thường”- bạn Châu (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nói.

Vẫn biết rằng, các trò chơi trực tuyến, các livestream, các video, hình ảnh trên mạng xã hội có sức hấp dẫn mạnh mẽ không chỉ riêng với giới trẻ, nhưng những giá trị giải trí mà nó đem lại chỉ mang tính tức thời. Càng ngày càng nhiều video giải trí “nhí nhố” tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều sinh viên mải mê với các website, các video, các trò chơi rồi xao lãng việc học. Tệ hại hơn, nhiều thanh niên bị sa ngã vào các trang thông tin đồi trụy, không giúp giải trí mà còn ảnh hưởng đến tinh thần.

Khi giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho “thế giới ảo”, giải trí tinh thần chủ yếu qua màn hình máy tính, điện thoại, các bạn mang nó từ căn phòng của mình, đến bàn ăn, ra bên ngoài, khi mà ai cũng có thú vui riêng mà điều đó là cho cuộc sống thực không có sự kết nối.

Phải chăng, ở trường, ở ngoài xã hội không đủ các điểm vui chơi, giải trí tinh thần lành mạnh để các bạn trẻ được thoải sức vui chơi, hòa mình, được sống hết mình!? 

Đọc thêm