“Giảm bếp ăn”, đòn nghi binh kinh điển trong lịch sử quân sự

(PLVN) - Năm 343 trước Công nguyên, thời Chiến quốc tại Trung Hoa, Ngụy Huệ Vương phong cho Thái tử Thân làm Giám Quân, Bàng Quyên làm Đại Tướng, dốc hết binh lực toàn quốc tiến đánh nước Hàn, muốn chỉ qua một cuộc hành quân là diệt được nước này. 
Tôn Tẫn dù bị liệt nửa người, nhưng vẫn là một nhà mưu lược quân sự nổi tiếng.
Tôn Tẫn dù bị liệt nửa người, nhưng vẫn là một nhà mưu lược quân sự nổi tiếng.

Hàn Ai Hầu thấy thế lực của quân Ngụy đánh đâu thắng đó, thế như chẻ tre thì hết sức hốt hoảng, phái người đi sang nước Tề cầu cứu. Lúc bấy giờ Tề Uy Vương đã chết, con là Tuyên Vương lên nối ngôi. Sau khi nhận được lời cầu cứu, Tề Tuyên Vương bèn cho gọi hai phụ tá đắc lực là Điền Kỵ và Tôn Tẫn, lại quy tụ bá quan văn võ đến họp triều đình để tìm cách giải cứu nước Hàn. 

Tướng quốc Trâu Kỵ nói: 

- Hai nước Hàn - Ngụy đánh nhau, đó là chuyện riêng của họ. Nước ta có thể ngồi yên nhìn hai con cọp giao đấu, không cần phải can thiệp. 

Điền Kỵ lắc đầu, nói: 

- Không được! Ngụy mạnh Hàn yếu. Một khi nước Ngụy diệt được Hàn thì chẳng khác cọp thêm cánh, sẽ quay sang nhắm đến nước ta. Đến chừng đó, chẳng phải quân ta tác chiến cô độc hay sao?

Trong quần thần có người ủng hộ ý kiến Trâu Kỵ, người ủng hộ ý kiến Điền Kỵ. Hai bên tranh chấp không ngã ngũ. Tề Tuyên Vương trông thấy Tôn Tẫn ngồi thinh, không tỏ ý gì, bèn hỏi: 

- Này quân sư, tại sao ngài không nói gì cả vậy. Chẳng lẽ ý kiến của hai người đều sai cả sao?

Tôn Tẫn gật đầu, đáp: 

- Đúng vậy! Chúng ta không cứu nước Hàn, thì có nghĩa là bỏ rơi nước Hàn, và để mặc cho nước Ngụy càng thêm cường thịnh. Nhưng nếu bây giờ chúng ta đi cứu ngay nước Hàn, thì có nghĩa là chúng ta đánh giặc thay cho nước này, để họ ngồi không tọa hưởng, còn ta thì gánh vác tổn thất. Do đó, thần cho rằng hai ý kiến trên đều không thể chấp nhận. 

Thần nghĩ rằng, ta nên cử binh sau để giành phần chiến thắng. Trước tiên ta hứa với vua nước Hàn là sẽ cử binh tiếp ứng, để nước này an tâm chống Ngụy. Chờ cho hai nước đánh nhau đều bị thương vong, tổn thất, thì chúng ta mới thừa cơ xuất binh. Như vậy, ta dùng sức ít mà lại thu lợi to! 

Tề Tuyên Vương vui mừng, nhanh chóng tiếp kiến sứ thần nước Hàn:

- Xin trở về tâu lại với quốc quân của ngài, hãy cố gắng chống lại quân Ngụy, đại quân của nước tôi sẽ đến ngay để hợp sức đánh bại quân Ngụy. 

Sau khi sứ thần nước Hàn đi, Tôn Tẫn liền phái người vào đất Hàn để quan sát chiến cuộc, rồi liên tục báo tin về. Sau khi quân Hàn trải qua 5 trận thất bại, phải rút lui vào kinh thành cố thủ, Tôn Tẫn cho rằng thời cơ đã đến, xin Tề Tuyên Vương xuống chỉ xuất quân. Tề Tuyên Vương liền cử Điền Kỵ làm Đại tướng, Điền Anh làm Phó tướng, Tôn Tẫn làm Quân sư, dẫn 10 vạn đại binh đi cứu nước Hàn. 

Điền Kỵ sau khi nhận lệnh liền chọn tinh binh, tướng mạnh chuẩn bị lương thảo đầy đủ, rồi xuống lệnh tiến thẳng vào nước Hàn. Nhưng Tôn Tẫn vội vàng ngăn lại: 

- Không thể được! Làm sao để quân ta không vào nước Hàn mà vẫn cứu được? 

Điền Kỵ bừng hiểu ra: 

- Ý của quân sư là chúng ta xua quân bao vây nước Ngụy để cứu nước Hàn chăng? 

Tôn Tẫn chỉ cười mà không đáp. Thế là 10 vạn quân Tề tiến nhanh vào đất Ngụy như một mũi tên bắn thẳng vào quả tim của nước này là đô thành Đại Lương. 

***

Về phía Bàng Quyên, sau khi xua quân tiến vào đất Hàn, tuy gặp phải sự kháng cự ngoan cường, bị tổn thất không phải nhỏ nhưng vẫn đắc thắng 5 trận, liền xua quân tiến tới bao vây đô thành nước Hàn. Xem ra đại công sắp thành bỗng nghe tin quân Tề xâm nhập vào nước Ngụy. Ngụy Huệ Vương truyền thánh chỉ, Bàng Quyên đành phải kéo quân về Ngụy quốc. 

Tôn Tẫn được tin Bàng Quyên kéo quân trở về, bèn nói với Điền Kỵ: 

- Quân Ngụy từ trước đến nay hung hăng háo chiến, lại rất khinh thường quân Tề. Chúng ta có thể lợi dụng tâm lý này của họ, vờ như sợ đánh nhau để làm tăng thêm tính kiêu ngạo của họ, sau đó mới xuất kỳ bất ý đánh bại chúng. 

Điền Kỵ tỏ ra vui mừng, xuống lệnh thi hành theo kế hoạch của Tôn Tẫn. 

Bàng Quyên dẫn đạo cấp tốc trở về nước quyết đánh một trận sinh tử với Tôn Tẫn nhưng quân Tề tránh không giao tranh mà rút lui. Bàng Quyên sai con trai là Bàng Anh dẫn người đến doanh trại của quân Tề vừa rút lui để do thám, đếm số bếp nấu. Qua đó, ông ta đoán được quân Tề đông đến 10 vạn người. 

Ngày hôm sau, Bàng Quyên lại sai người đến doanh trại quân Tề để đếm số bếp, sau khi tính ra chỉ còn lại 5 vạn người. Bàng Quyên không khỏi vui mừng: “Đúng là quân Tề nhát gan, sợ đánh nhau. Chỉ trong vòng một ngày mà chúng bỏ trốn đến 5 vạn người. Nhất định phải truy kích đến cùng”. 

Đêm hôm sau, Bàng Anh đêm đó lại tìm đến doanh trại quân Tề vừa rút bỏ để đếm số bếp nấu cơm, thấy số bếp này chỉ dùng đủ cho 3 vạn người. Bàng Quyên cao hứng: 

- Mười vạn quân Tề nay đã bỏ trốn hết quá nửa. Ngày chết của chúng không còn xa nữa! 

Thái tử Thân thấy Bàng Quyên quá vui mừng, bèn nhắc nhở: 

- Tôn Tẫn là người có nhiều kế, không nên coi thường. 

Bàng Quyên kiêu ngạo:

- Tôn Tẫn mưu kế, nhưng lính thiếu can đảm, không bằng lòng bán mạng, thì thử hỏi nó có cách gì hơn? Nếu Thái tử sợ, thì ta có thể chia quân ra làm hai toán. Thần sẽ dẫn quân đi trước để truy kích chúng, quyết bắt sống cho được Tôn Tẫn.

***

Về phía Tôn Tẫn, đoán chắc vào chiều hôm đó trước khi mặt trời lặn đối phương sẽ đến địa giới Mã Lăng Đạo, là nơi địa hình hiểm trở, núi cao rừng rậm, hẻm núi chỉ vừa đủ cho một người cưỡi ngựa đi qua, đúng là nơi có địa thế tốt để bố trí phục binh, bèn xuống lệnh: 

- Toàn quân dừng lại, nấu cơm ăn no, rồi mai phục hai bên núi, lấy một đạo quân nghỉ ngơi khỏe mạnh, đánh một đạo quân mệt nhọc. 

Bàng Quyên vì nóng lòng muốn lập công, nên đã dẫn 5 nghìn binh mã đi bất kể ngày đêm để truy kích. Khi đến Mã Lăng Đạo thì mặt trời vừa lặn xuống phía Tây. Lúc bấy giờ là cuối tháng mười. Trên trời không trăng lại không sao, xung quanh tối đen. Quân tiên phong quay lại báo phía trước có nhiều cây cối bị đốn chắn đường, Bàng Quyên nói: 

- Đó là do quân Tề hạ cây để chặn đường, chứng tỏ chúng rất sợ hãi, hãy mau dọn cây, tiếp tục tiến lên.

Khi binh sĩ đốt đuốc lo dọn dẹp chướng ngại thì trông thấy trên một thân cổ thụ gần đấy vỏ cây đã bị lột bỏ, để lộ thịt cây trắng tinh và có đề chữ: “Bàng Quyên sẽ chết tại gốc cây này” nên vội quay lại bẩm báo. Bàng Quyên cảm thấy như bị sét đánh, buột miệng nói to: 

- Nguy rồi! Ta đã trúng kế. Mau rút lui! 

Lời nói chưa dứt thì hai bên núi đạn lửa bắn ra như mưa. Quân Ngụy bị trúng tên lớp ngã chết, lớp đạp nhau bỏ chạy. Riêng Bàng Quyên bị trúng liên tiếp mấy mũi tên, tự biết mình khó thoát nên ngước mặt lên trời cao than thở. Bị trúng thêm mấy mũi tên nữa, Bàng Quyên tuốt kiếm ra tự sát. Quân Tề thừa thắng, truy kích quân Ngụy tan tác, lớp chết, lớp đầu hàng, không ai có thể chạy thoát.

Lúc bấy giờ Thái tử Thân đang chỉ huy hậu quân, hay tin tiền quân đã bị phục kích, nên vội vàng xuống lệnh hạ trại không tiến lên nữa. Nhưng không ngờ đã muộn. Điền Anh xua quân xông lên, Thái tử Thân chỉ huy quân đội chống lại.

Tiếp đó, quân đắc thắng của Điền Kỵ cũng quay lại tiếp ứng với Điền Anh. Quân Ngụy thấy vậy càng thêm sợ hãi, hàng ngũ rối loạn, không còn tinh thần chiến đấu nữa. Thái tử Thân bị Điền Anh bắt sống. Bàng Thông cũng vứt khí giới đầu hàng. 

Quân Tề chiến thắng trở về nước, tiếng tăm vang dội khắp các chư hầu, xưng bá ở phía Đông. Tề Tuyên Vương thưởng Điền Kỵ lên làm Tướng quốc. Riêng Tôn Tẫn thì không nhận phong thưởng. Ông để một số thời giờ viết bộ sách “Tôn Tẫn binh pháp” hiến cho quốc gia, sau đó đi tới một vùng núi sâu không rõ tên để quy ẩn... 

Đọc thêm