Hải Dương, nhiều người dân khiếu nại quyết định xử phạt của chính quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN)   Những hộ dân này cho rằng, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm. Trong khi vi phạm chủ yếu từ giai đoạn năm 2013-2018, vì vậy họ cho rằng quyết định xử phạt của chính quyền là chưa đúng.
Vào giờ tan tầm tuyến đường bên hông công ty GFT trở thành tuyến phố buôn bán nhộn nhịp.
Vào giờ tan tầm tuyến đường bên hông công ty GFT trở thành tuyến phố buôn bán nhộn nhịp.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, hàng chục người dân xã Cộng Lạc (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) trình bày, họ vừa nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền địa phương liên quan đến lĩnh vực đất đai. Những người này cho rằng, quyết được xử phạt của chủ tịch huyện, xã là chưa đúng căn cứ pháp luật.

Cụ thể những hộ dân này cho biết, khi công ty GFT Việt Nam về xây dựng nhà máy tại địa phương đã tiến hành bơm cát, san lấp mặt bằng khiến những khu ruộng canh tác của một số hộ bị một phần cát bao phủ mặt ruộng.

Sau khi công ty này đi vào hoạt động đã xả thải làm ô nhiễm lớn đến đất ruộng, đặc biệt là ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu khiến các hộ dân không thể canh tác. Hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang từ đó đến nay. Cũng từ đây, những hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực nói trên không có công ăn việc làm.

Trước tình trạng đó, người dân đã tự ý dựng lều quán, nhà tạm để bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân nhà máy GFT Việt Nam.

Ông Trần Văn Ngà (người có nhà tạm tại khu vực trên) chia sẻ: “Các công trình tạm của bà con ở đây hầu hết được dựng lên từ những năm 2013 - 2018. Khi người dân dựng quán bán hàng, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Cộng Lạc hầu như không có ý kiến gì, lác đác có lập biên bản vi phạm đối với một vài hộ nhưng vẫn cho tồn tại”.

"Xã không ngăn cản, nên người nọ nhìn người kia để làm theo. Giờ khu vực này đã tạo thành khu phố chợ sầm uất, nhiều người làm ăn buôn bán cải thiện được đời sống do vậy dù chỉ là đất nông nghiệp nhưng đất tại đây được chuyển nhượng với giá rất cao”, ông Ngà thông tin.

Còn thời hiệu xử phạt hành chính không?

Theo tìm hiểu của PV báo PLVN, có 41 hộ dân của xã Cộng Lạc (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) xây dựng hàng quán bám dọc theo tuyến đường bê tông phía hông của nhà máy sản xuất đồ chơi thuộc Công ty TNHH GFT Việt Nam.

Vào giờ tan tầm hàng ngàn công nhân tranh thủ mua sắm thực phẩm, trái cây, quần áo, vật dụng gia đình khiến khu vực này trở thành tuyến đường nhộn nhịp.

Được biết, vào tháng 12/2021, UBND xã Cộng Lạc đã lập biên bản xác minh 41 hộ vi phạm. Sau đó, UBND xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 hộ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

10 hộ còn lại thuộc thẩm quyền xử phạt của UBND huyện. Tháng 01/2022, UBND huyện Tứ Kỳ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 hộ còn lại và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

Nhiều hộ dân đã dựng lều quán tạm để bán hàng cho các công nhân của công ty GFT

Nhiều hộ dân đã dựng lều quán tạm để bán hàng cho các công nhân của công ty GFT

Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt nam, ông Đoàn Văn Liễu- Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Lạc xác nhận, việc nhà máy GFT Việt Nam xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ thống tưới tiêu đối với diện tích đất nông nghiệp của bà con trong xã là có thật. Tuy nhiên ông Liễu cho rằng, việc bà con bỏ ruộng có nhiều lý do chứ không chỉ một lý do ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo xã Cộng Lạc cũng cho biết, xã đã lập danh sách 41 hộ dân vi phạm nói trên, trong đó thời điểm vi phạm chủ yếu vào giai đoạn năm 2013-2018.

Trước câu hỏi, vì sao tình trạng người dân dựng quán bán hàng trên đất nông nghiệp diễn ra liên tục, kéo dài từ nhiều năm trước nhưng không bị xử lý, nay chính quyền lại rốt ráo xử phạt và yêu cầu tháo dỡ.

Lãnh đạo xã Cộng Lạc thừa nhận trước đây lãnh đạo xã đã buông lỏng quản lý nên mới để xảy ra tình trạng như vậy. Đồng thời ông Liễu cho biết, tại khu vực đang triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả nói trên đang có các dự án triển khai.

Tuy nhiên khi nhận được quyết định xử phạt hành chính của chính quyền, nhiều hộ dân cho rằng quyết được xử phạt của chủ tịch huyện, chủ tịch xã là chưa đúng căn cứ pháp luật.

Đại diện cho những người gửi đơn ông Trần Văn Ngà chia sẻ: "Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, căn cứ khoản 1, điều 4 Nghị định 91/2019/ NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định là 2 năm. Các hộ dân chúng tôi hầu hết dựng quán bán hàng từ năm 2018 trở về trước nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, việc chính quyền xã Cộng Lạc và huyện Tứ Kỳ vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 4 đến 7,5 triệu đồng là chưa đúng. Hiện chúng tôi đã có đơn khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ khởi kiện xã và huyện ra tòa hành chính".

Liên quan đến nội dung khiếu nại của người dân, luật sư Nguyễn Quốc Phong (đoàn luật sư TP. HCM) nhận định, nếu sự việc đúng như người dân phản ánh thì quyết định xử phạt của UBND xã, UBND huyện thiếu cả tình lẫn lý.

Luật sư Phong phân tích, về lý vi phạm đã diễn ra từ giai đoạn 2013-2018, chính quyền địa cấp cơ sở đã lập danh sách các hộ và có thời gian vi phạm cụ thể không thể nói là nay mới phát hiện. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm. Do đó đến nay đã hết thời hiệu, mà chính quyền vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chưa đúng.

Về tình, nếu chính quyền không buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm ngay từ lúc phát hiện thì không để xảy ra tình trạng hơn 40 hộ vi phạm như vậy. Việc thiếu trách nhiệm của chính quyền gây thiệt hại cho người dân, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Thay vì làm đúng để sửa sai, thì lại lập biên bản kiểu “mới phát hiện vi phạm” để hợp thức hóa lỗi buông lỏng quản lý, đẩy hết lỗi về phía người dân. Việc xử phạt như vậy không những gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến nhân thân của những người dân này.

Đọc thêm