Đây cũng chính là dịp kỷ niệm 434 năm ngày mất của Trạng Trình văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, Hải Phòng là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hoá mang đậm nét bản sắc dân tộc. Hiện, Hải Phòng có 1.134 di tích; trong đó có 482 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: hai di tích quốc gia đặc biệt, 113 di tích quốc gia và 367 di tích thành phố. Hải Phòng có 474 lễ hội với các loại hình và 6 lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong năm 2019, Lễ hội đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với nghệ thuật trình diễn dân gian - Múa rối nước Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo) được nhà nước vinh danh - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Hình ảnh lễ rước tại lễ hội |
Việc đón nhận Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đề nghị huyện Vĩnh Bảo hoàn thành việc đầu tư mở rộng và chỉnh trang cổng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Chính quyền địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Quy hoạch tổng thể, mở rộng diện tích để nghiên cứu, phục dựng, triển khai nhằm phát huy giá trị di sản Trạng Trình.
Theo kế hoạch, lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 22 đến 24/12 với đầy đủ phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng với lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước văn, lễ dâng hương, lễ tạ...