Hải Phòng năm 2030: Phát triển hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á

(PLVN) - Bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm, công trình đã khởi công hoặc đang xây dựng dở dang; chăm lo phát triển nông nghiệp công nghệ cao; duy trì công tác an sinh xã hội; khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển thành TP công nghiệp hiện đại… là kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp vào nhiệm kỳ mới (2020-2025) của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng. 
Hải Phòng vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.
Hải Phòng vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.

Phát triển nền kinh tế trọng điểm, tạo động lực để thu hút đầu tư

Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng Khóa XV vừa thành công tốt đẹp. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Khóa XV, Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Khoá XVI với số phiếu bầu tuyệt đối.

Hội nghị cũng đã bầu 2 Phó Bí thư Thành uỷ Khoá XVI gồm ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy Khóa XV, Chủ tịch UBND TP và ông Đỗ Mạnh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Khóa XV. Đại hội đã bầu 53 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP Khóa XV. 

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Khóa XVI lần thứ Nhất đã bầu Ban Thường vụ Thành uỷ Khóa XVI gồm 15 đồng chí. Với đội ngũ lãnh đạo đầy tâm huyết và trách nhiệm, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, một nhiệm kỳ mới của Ban Chấp hành Đảng bộ TP được bắt đầu với nhiều kỳ vọng từ phía người dân TP Cảng.

Nhiệm kỳ trước, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển cả nước. Quy mô kinh tế tăng gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 5.863 đô la Mỹ, gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nội địa năm 2020 gấp 2,32 lần năm 2015.

Nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Công nghiệp phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đưa Hải Phòng thành trung tâm kinh tế, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cảng biển và du lịch phát triển mạnh, hiệu quả.

Hải Phòng có một bước tiến vượt bậc khi hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư lớn chưa từng có. Cao tốc Hà Nội –Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện được đưa vào khai thác và đem lại hiệu quả tối ưu cho việc liên kết vùng, miền để phát triển kinh tế, du lịch.

Hải Phòng cũng đã chi gần 25.000 tỷ đồng để xây dựng hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và trở thành “TP của những cây cầu” từ cầu vượt sông đến cầu vượt biển, giúp thay đổi diện mạo TP, tạo điều kiện để người dân lưu thông thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Chỉ trong thời gian ngắn, Hải Phòng hoàn toàn “thay da đổi thịt” khi hơn 40.300 tỷ đồng từ các nguồn lực khác nhau được sử dụng để xây dựng nông thôn mới. Kết quả, 139/139 xã của Hải Phòng đã về đích nông thôn mới, trước 1 năm so với mục tiêu của Đại hội. Năm 2020, TP tiếp tục chi 1.000 tỷ đồng để triển khai thí điểm mô hình nông thôn kiểu mẫu tại 8 xã thuộc 7 huyện. 

Song song với việc phát triển kinh tế, Hải Phòng còn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng là người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Từ năm 2016 tới nay, mức hỗ trợ vật chất đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công đều ở mức cao nhất cả nước. Để những người có công có nơi ăn chốn nghỉ đầy đủ, Hải Phòng đã triển khai hoạt động hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Nghị quyết 32/2018/NQ-HĐND của HĐND TP và Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cầu Hoàng Văn Thụ, một trong những biểu tượng mới của TP Hải Phòng.
 Cầu Hoàng Văn Thụ, một trong những biểu tượng mới của TP Hải Phòng.

Cùng với nhiều thành tựu khác, Hải Phòng đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hải Phòng với công lao to lớn và thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Ở nhiệm kỳ mới (2020-2025), Hải Phòng đặt mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch của cả nước; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị TP tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành TP công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Hải Phòng sẽ tập trung phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính đó là: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại. 

Kỳ vọng từ người dân

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Thành công mà Hải Phòng có được trong nhiệm kỳ vừa rồi chính là từ Nhân dân, Nhân dân không chỉ ủng hộ chủ trương mà còn góp nguồn lực để cùng xây dựng TP. Ví như, Dự án Hồ Sen – Cầu Rào 2 cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng chỉ trong thời gian ngắn với hơn 59.000m2 đất thu hồi liên quan đến 470 hộ dân trên địa bàn 4 phường thuộc quận Lê Chân.

Chưa bao giờ, các quận huyện như đang ở trong “ngày hội giải phóng mặt bằng”, được người dân đồng thuận, ủng hộ, sẵn sàng di dời nhà cửa để nhường chỗ cho các nhà máy, công trình xây dựng. Lãnh đạo TP Hải Phòng luôn ghi nhớ lời nhắc nhở của Thủ tướng rằng cần bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân bởi: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ lão thành cách mạng.
 Lãnh đạo TP Hải Phòng thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ lão thành cách mạng.

Bày tỏ sự tự hào trước sự kiện Hải Phòng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, ông Bùi Văn Bạt (SN 1941, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) chia sẻ: Là một trong gần 1000 hộ dân tại huyện Vĩnh Bảo được phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 32, gia đình tôi đã được hỗ trợ 20 triệu, 7.000 viên gạch và 2,95 tấn xi măng.

Chủ trương của Thành ủy Hải Phòng đã mang lại sự thay đổi cho cuộc sống của hàng nghìn gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Tôi hy vọng, thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không bị bỏ lại phía sau.

Bà Phạm Thị Hoài (SN 1964, đại diện cho 1 doanh nghiệp nhỏ tại quận Hải An) bày tỏ mong muốn, Hải Phòng nên bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm, công trình đã khởi công đang xây dựng dở dang bị dừng vì thiếu vốn như đường ven biển nối Hải Phòng với Thái Bình, đường Đông Khê 2, đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông… để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, tránh lãng phí. 

Liên quan đến phát triển nông nghiệp, chị Phạm Thị Phương Mai (xã Đồng Thái, huyện An Dương) mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, chăm lo phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung để người dân các huyện ngoại thành có công ăn việc làm ổn định. Đồng thời chị Mai hy vọng TP tiếp tục duy trì chính sách khuyến học, khuyến tài: hỗ trợ học phí cho các bậc học, chính sách khen thưởng cho các nhân tài đạt giải quốc gia, quốc tế …

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu tất cả nguyện vọng của người dân đồng thời cho biết, thời gian tới, Hải Phòng sẽ có nhiều chính sách đổi mới trên tất cả các lĩnh vực về phát triển kết cấu hạ tầng, về nguồn lực đầu tư; phấn đấu nguồn ngân sách phải tương ứng với quy mô của nền kinh tế; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp…

Đọc thêm