Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế chính thức thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các Nghị quyết: số 35/2021/QH15, 36/2021/QH15, 37/2021/QH15, 38/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
TP Thanh Hóa. Ảnh: Vietnammoi
TP Thanh Hóa. Ảnh: Vietnammoi

Theo các Nghị quyết này, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An). Ảnh: báo Nghệ An

Đối với thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 35/2021/QH15 nêu rõ: Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 37/2021/QH15 quy định: Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công, một trong những công trình trọng điểm mang dấu ấn lớn của Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Luân/TTXVN)

Theo các Nghị quyết, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án. Ngân sách thành phố, tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 38/2021/QH15, Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Liên quan đến quản lý rừng, đất đai, các Nghị quyết quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên trở lên của tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: daidoanket.vn

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: daidoanket.vn

Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, Nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Đọc thêm