Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Thúy Ngọc – Phó Cục trưởng Cục PCRT Việt Nam; ông Hồ La Thành – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang; cùng đại diện lãnh đạo các Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh các tỉnh ĐBSCL: Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang.
Mở đầu hội nghị, ông Hồ La Thành – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: Công tác PCRT là công việc hết sức phức tạp. Để đạt được một kết quả nhất định, an toàn phải có sự phối hợp tích cực của cả hệ thống chính trị, cá nhân và tổ chức có liên quan.
Tình hình chung
Bà Nguyễn Thị Thúy Ngọc – Phó Cục trưởng Cục PCRT đã trình tổng quan về luật, các quy định của pháp luật về PCRT ở Việt Nam và trên thế giới; trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền, hợp tác và chuyển giao thông tin, hợp tác quốc tế về PCRT, cũng như là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và phi tài chính trong công tác PCRT.
Bà còn cho biết, trước đây hệ thống PCRT trên thế giới đánh giá Việt Nam chưa có hệ thống PCRT theo chừng mực quốc tế, nhưng đến năm 2015 Luật PCRT ở Việt Nam được sửa đổi toàn diện đáp ứng nhu cầu chuẩn quốc tế nhiều hơn. Về cơ sở pháp lý của Luật PCRT, Việt Nam có 4 văn bản PCRT và 2 văn bản Luật Phòng, chống khủng bố. Đồng thời Việt Nam đã là 1 trong 41 thành viên của tổ chức châu Á - Thái Bình Dương về PCRT (APG), tác động tích cực trong công tác PCRT tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, tình hình tội phạm rửa tiền vẫn còn diễn biến tiêu cực. Một đại biểu cho rằng một số đối tượng còn lợi dụng khe hở của luật để chuyển tiền ra nước ngoài qua mặt cơ quan chức năng; hợp thức hóa tiền rồi chuyển tiền vào tài khoản; một số doanh nghiệp thuế chấp hàng tồn kho, chứng từ lòng vòng khi cơ quan chức năng kiểm tra. Tội phạm rửa tiền lại có nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, kinh doanh v,v…
Từ năm 2011 đến nay, ở các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang thuộc khu vực ĐBSCL có nhiều vụ rửa tiền quy mô lớn, một số vụ vi phạm trên dưới 1 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, cơ quan hình sự đã điều tra khám phá hơn 43 ngàn vụ vi phạm, bắt xử lý trên 83 ngàn đối tượng; công an kinh tế phát hiện gần 16 ngàn vụ vi phạm, 260 vụ tham nhũng v,v… Còn tại Hậu Giang, Công an kinh tế tỉnh cũng phát hiện một đối tượng thuê người mở hơn 400 thẻ ATM tại các ngân hàng và giao cho các đối tượng khác chuyển tiền vào tài khoản.
Kiến nghị, giải pháp trong phòng chống rửa tiền
Ở góc độ ngành, ông Nguyễn Hồng Danh – đại diện Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an cho biết, dẫn đến tình trạng cá nhân, tổ chức vi phạm về rửa tiền là do chưa có một hệ thống văn bản chuẩn để kiểm soát tiền, tài sản cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp; chưa kiểm soát tốt tiền gửi qua ngân hàng của các kiều hối. Vì thế, cần có bộ văn bản rõ ràng để quản lý, cần hiện đại hóa hệ thống hành chính, việc thu thập tài liệu trong PCRT cần văn bản đầy đủ, tương đối toàn diện để kiểm soát được được đồng tiền, tài sản. Ngoài ra, cần học hỏi các quốc gia phát triển có kinh nghiệm về PCRT.
Ở khía cạnh khác, ông Danh đề nghị cần chống tư tưởng tiêu cực của cán bộ, tiền lương thấp nên tăng lương cho cán bộ để không xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng.
Thông qua hội nghị lần này, các đại biểu nắm được tinh thần của pháp luật, ngăn chặn các loại tội phạm rửa tiền, bảo vệ lợi ích của nền kinh tế, hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh.