Có hiện tượng buông lỏng quản lý cá tầm nhập khẩu
Trong đơn, ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết, nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam hình thành và phát triển được 15 năm với sản lượng hiện đạt hơn 3.000 tấn với giá trị trên 500 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm và sinh kế bền vững cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hiệp hội nuôi cá nước lạnh nói chung tại Việt Nam và Hiệp hội nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang đứng trước nguy cơ treo ao, phá sản do hiện tượng buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, để cá tầm Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, không kiểm soát được chất lượng, chủng loại và có hiện tượng bán phá giá tại thị trường Việt Nam.
“Điều đáng nói ở đây là sự làm ngơ và lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Tổng cục Thuỷ sản, Cục Thú y, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và sự chỉ đạo thiếu kiểm tra, giám sát của Tổng cục Hải quan đã để cho các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục được nhập khẩu với số lượng lớn lên đến hàng ngàn tấn” – ông Nguyễn Đình An cho biết.
|
Nhiều ý kiến từ Hiệp hội cá nước lạnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước không thể cứ mãi buông lỏng, "mắt nhắm mắt mở" với những sai phạm trong việc cho nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc |
Nhiều khuất tất
Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đình An chỉ ra nhiều khuất tất trong việc các cơ quan chức năng ứng xử với cá tầm nhập khẩu như việc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam vẫn tiếp tục cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm dù biết rằng các loại cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không đúng chủng loại được cấp giấy phép CITES.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 8/11 mẫu cá tầm bày bán tại các chợ hải sản đầu mối như chợ Yên Sở, Hà Nội, chợ Bình Điền thành phố Hồ Chí Minh là các loại cá không được phép kinh doanh tại Việt Nam nhưng không chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ phối hợp với các cơ quan có liên quan làm rõ nguồn gốc của các chủng loại cá tầm được bày bán tại các chợ.
Ông Nguyễn Đình An cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ quy trình Cục Thú y cấp giấy kiểm dịch hiện hành đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc và kiến nghị Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.
Tại sao những lùm xùm xung quanh việc quản lý nhà nước đối với cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc mãi không được xử lý. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.