Hiệu quả từ vốn vay tín dụng chính sách ở vùng ven Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế đã không ngừng phát triển, thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Với số tiền vay từ chương trình vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh Đoàn Văn Hiền đầu tư nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với số tiền vay từ chương trình vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh Đoàn Văn Hiền đầu tư nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH  huyện và các tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt, NHCSXH huyện đã tăng cường các giải pháp đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giúp dân giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Anh Đoàn Văn Hiền (SN 1973, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) chia sẻ, tháng 11/2019, gia đình anh được vay vốn chương trình vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc, với số tiền vay 50 triệu đồng.

“Từ số tiền vay trên cùng với số tiền tích góp được, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá chình bằng bể xi măng, với diện tích 400 m2 và thả nuôi 600 con cá chình giống. Cá được nuôi khoảng thời gian từ 18-24 tháng; khi cá đạt bình quân từ 1,5-2kg/con sẽ được xuất bán. Sau  khi trừ đi chi phí nuôi, bình quân gia đình tôi thu lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/năm” - anh Hiền cho biết thêm.

Không chỉ riêng gia đình anh Hiền, tại xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vay từ NHCSXH để đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn đinh cuộc sống. Anh Đoàn Trọng Tiến (SN 1986, thôn 1 xã Vinh Mỹ) chia sẻ, giữa năm 2017, sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc để sản xuất kinh doanh, anh đã mạnh dạn vay thêm anh em, bạn bè để mở một xưởng may tại nhà. Đến nay, xưởng may đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 công nhân, thu nhập bình quân mỗi công nhân từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.

Theo bà Lê Thanh Bình, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc (tỉnh TT- Huế), đến ngày 30/11/2020 tổng nguồn vốn tại đơn vị là 366.169 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương: 353.141 triệu đồng, nguồn vốn địa phương: 12.390 triệu đồng. Tổng dư nợ: 362.301 triệu đồng; tăng 30.564 triệu đồng so đầu năm 2020, với 288 tổ TK&VV, dư nợ bình quân là 1.258 triệu đồng/tổ. Hiện toàn huyện có 11/17 xã không có nợ quá hạn gồm: Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bình, Lộc Tiến, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc, Thị trấn Phú Lộc, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Giang hải chiếm 64,7% tổng số xã trên địa bàn.

Từ hiệu quả đó, trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay hiệu quả nhất để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn.

Đọc thêm