Hơn 1.000 hộ dân miền núi Quảng Nam rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Mặc dù có số lượng sông, suối, khe nhiều nhưng vào mùa nắng tình trạng thiếu nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân miền núi Quảng Nam lại diễn ra phổ biến. Và đây cũng là bài toán chưa có lời giải đối với các huyện miền núi khó khăn này.

Có hơn 1.000 hộ dân miền núi rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Có hơn 1.000 hộ dân miền núi rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) là địa phương có đến 5 dòng sông chính chảy qua, trong đó có 2 sông có lưu lượng lớn trong mùa mưa là sông A Vương và sông Bung. Ngoài ra, địa phương này còn có khoảng 100 con suối, khe nhỏ có lưu lượng nước ít.

Mặc dù với số lượng sông, suối, khe nhiều như vậy, song trong những năm gần đây, vào mùa nắng thì lưu lượng nước tại các sông, suối, khe này càng cạn kiệt. Mặt khác, với hệ thống thuỷ điện dày đặc ở thượng nguồn các sông cũng làm cho nguồn nước trên địa bàn càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước cho người dân.

Vào những thời điểm khó khăn về nước sinh hoạt, thời tiết ít mưa, mỗi ngày có khoảng 400 hộ dân ở trung tâm huyện Tây Giang có nhu cầu sử dụng khoảng 1.000 m3 nước. Trong khi đó, nhà máy nước sạch của huyện chỉ đáp ứng khoảng 300- 350m3 nước/ngày đêm.

Một số dòng sông khi vào mùa nắng nóng đã dần khô kiệt.

Một số dòng sông khi vào mùa nắng nóng đã dần khô kiệt.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trước đây hơn 10 năm, nguồn nước tại Tây Giang khá dồi dào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng các suối, khe trơ đáy trở nên phổ biến.

Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước cho dân. Song cứ vào mùa nắng hạn, các suối khe trên địa bàn huyện lại khô hạn, dẫn đến các công trình tự chảy ở các địa phương trong huyện nguồn nước không đủ áp lực để đưa và các thôn làng.

Muốn giải quyết được vấn đề này, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn cơ ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước đa mục tiêu, hiệu quả và tiết kiệm…

Từ hơn 2 năm trước, UBND huyện Tây Giang đã giao cho Ban Quản lý - Quỹ đất đô thị của huyện tham mưu, đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo đó, đơn vị này đã rà soát lại nguồn nước, xây dựng lịch cấp nước theo ngày cho từng khu dân cư, tránh tình trạng xả và lãng phí nước trên diện rộng, làm hao hụt nguồn nước.

Nhà máy nước ở Tây Giang vào mùa nắng nóng không đủ cung cấp nước cho các địa bàn dân cư trên địa bàn.

Nhà máy nước ở Tây Giang vào mùa nắng nóng không đủ cung cấp nước cho các địa bàn dân cư trên địa bàn.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước, huyện cũng đã kéo một đường ống dẫn nước dài 8km để tiếp ứng nước vào nhà máy, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời huyện cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà máy nước mới với kinh phí 18 tỷ đồng.

Không chỉ có huyện Tây Giang, tình trạng suy giảm nguồn nước ngầm tại huyện Đông Giang cũng khiến tình trạng thiếu nước sạch tại địa phương này cũng trở nên nghiêm trọng.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nạn phá rừng đầu nguồn cũng như mở rộng diện tích trồng keo và biến đổi khí hậu đã khiến mạch nước ngầm cạn kiệt.

Thống kê cho thấy, toàn huyện có hơn 40 thôn đang phải dùng nguồn nước mặt được dẫn về từ các con suối để sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do nguồn nước không đủ nên trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 hộ gia đình thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Tại huyện Đông Giang hiện có hơn 100 công trình nước sinh hoạt. Tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 10 công trình (chiếm 10%) hoạt động bền vững; hơn 40 công trình hoạt động hiệu quả thấp hoặc hư hỏng không hoạt động (hơn 40%).

Trong khi đó, các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy việc quản lý, vận hành chủ yếu do các tổ quản lý cộng đồng là các trưởng thôn, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình nên dẫn đến hoạt động hiệu quả không cao.

Năm 2021 Đông Giang đã trải qua 6 đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt trên toàn địa bàn, khiến 3 công trình cấp nước sạch sinh hoạt bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 500 hộ gia đình. Lãnh đạo huyện đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh lập kế hoạch sửa chữa 3 công trình hư hỏng kể trên với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng.

Trước đó, từ năm 2019, UBND huyện đã nhận được đề nghị từ Công ty CP cấp thoát nước King (đóng tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) xin được lên Đông Giang để khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch tại thị trấn Prao.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khảo sát, lập hồ sơ nhưng không có kết quả nên UBND huyện Đông Giang đã quyết định loại Công ty CP cấp thoát nước King ra khỏi vị trí chủ đầu tư dự án để tìm một đơn vị khác đủ năng lực thay thế đầu tư.

Mặc dù UBND huyện đang kêu gọi tìm nhà đầu tư mới nhưng dự án nhà máy nước tại thị trấn Prao hiện vẫn chưa tìm được nhà đầu tư, khiến dự án vẫn chưa thể thực hiện được.

Được biết, ngoài dự án nhà máy nước sạch tại Prao, dự án nhà máy nước ở xã Ba, xã Tư có tổng mức đầu tư 37,5 tỷ đồng, công suất 2.000m3/ngày, đêm đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có nhà đầu tư.

Với những khó khăn và tình trạng thiếu nước sạch như kể trên, các cấp chính quyền tại huyện Đông Giang thời gian qua đã đưa ra một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Trong đó, việc khoan giếng được xác định là giải pháp trước mắt; còn về lâu dài, huyện sẽ đầu tư ở mỗi xã một công trình nước sinh hoạt, vừa đảm bảo đủ công suất, vừa có hệ thống lọc nước.

Trong giai đoạn 2000-2025, huyện Đông Giang phân kỳ đầu tư các công trình nước sạch ở các xã còn gặp khó khăn như Kà Dăng, Sông Kôn, Jơ Ngây; đồng thời từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước tại các khu dân cư.

Đọc thêm