Huy động tối đa các nguồn lực để đưa di sản Huế thành thương hiệu phát triển bền vững

(PLVN) - Hôm nay (ngày 10/6), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1982 -2022). Tới dự lễ có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, ông Chistian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương tặng hoa chúc mừng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (ảnh Bảo Minh).

Cách đây 40 năm, ngày 10/6/1982, Công ty quản lý di tích Lịch sử và Văn hóa Huế ra đời (và đến năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) với trọng trách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Quần thể Di tích Cố đô Huế và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Khi đó, với hậu quả nặng nề của chiến tranh, những biến động của lịch sử và hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong giai đoạn đầu thống nhất; vấn đề về quan điểm, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn hết sức hạn chế nên công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn di sản văn hoá Cố đô Huế đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản văn hoá Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh, khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Những thành tựu mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua, đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn cả về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, KTS. Hoàng Việt Trung chia sẻ, nhìn lại chặng đường 40 năm phục hưng di sản văn hóa Cố đô Huế là dịp để mỗi chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm về những bài học vô giá, đó là sự nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò đặc biệt của văn hoá trong đời sống đương đại. Đó là những bài học quý giá về những chuẩn mực trong quy trình trùng tu và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ trung ương đến cơ sở; là bài học về việc phát huy tính tự lực tự cường... Đó cũng là thời gian đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn cả về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm; và cũng là quá trình bồi đắp thêm nhiệt huyết tình yêu đối với di sản văn hóa.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định từ khi thành lập cho đến nay, UBND tỉnh đánh giá rất cao vai trò hạt nhân, nòng cốt của Trung tâm trong công cuộc phục hưng di sản. Những thành tựu đơn vị đã đạt được trong chặng đường 40 năm qua là minh chứng cụ thể, để đến ngày hôm nay, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế vô cùng tự hào đã có 5 di sản văn hoá được UNESCO vinh danh, đây thực sự là một thành tích rất đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn sắp đến, lãnh đạo tỉnh mong muốn đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hơn nữa những gì đã đạt được. Sáng tạo và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản Huế, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, cùng lãnh đạo tỉnh và nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Thừa Thiên Huế có 5 di sản văn hoá Cố đô Huế được UNESCO vinh danh

Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế theo quyết định 42 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế; huy động tối đa các nguồn lực để chung tay phát triển di sản văn hóa Huế thành một thương hiệu phát triển bền vững, một điểm đến luôn mới lạ và hấp dẫn du khách.

Đồng hành trong chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của đơn vị, ngoài sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các bộ ban ngành, lãnh đạo tỉnh, các tổ chức trong nước và quốc tế, Trung tâm còn nhận được sự hổ trợ rất lớn của nhiều tập thể, cá nhân tâm huyết, đã đóng góp công sức, trí tuệ, kinh phí cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Trong dịp này, nhằm tri ân và tuyên dương những đóng góp to lớn đó của các tập thể, cá nhân cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định trao tặng bằng khen cho 01 tập thể, 9 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vận động tài trợ quốc tế vào sự nghiệp bảo tồn di sản Cố đô Huế.

Đọc thêm