Chiều ngày 17/4, Thành ủy, UBND - HĐND - UBMTTQ thành phố Hà Tĩnh có buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp thành phố Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Phó chủ tịch UBND thành phố - ông Lê Quang Đức đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thành phố Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2007, sau 12 năm đã có nhiều đổi thay, mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại… Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận TP Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói chung, thành phố Hà Tĩnh nói riêng.
Với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Đảng bộ và toàn thể nhân dân, năm 2018, tốc độ tăng trưởng tỉnh Hà Tĩnh đạt 12,16%, thu ngân sách đạt 1.259 tỷ đồng, các chỉ số về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp… đều tăng so với cùng kỳ.
Phong trào xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn nông thôn mới được người dân hưởng ứng và đạt kết quả tốt, đến nay TP Hà Tĩnh có 8/10 phường đạt văn minh đô thị, 5/6 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Thành phố Hà Tĩnh có diện mạo là một đô thị thông minh, hiện đại |
Văn hóa xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 90%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91,5%, 16/16 phường xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 36/49 trường học đạt chuẩn quốc gia (75%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,72 %.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, đạt kết quả cao.
Thành phố ban hành và triển khai thực hiện Quy chế chấm điểm người đứng đầu, quy chế xin lỗi; xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công thành phố và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hiện nay thành phố đang xây dựng thí điểm 03 Tổ dân phố điện tử; vì vây, 03 năm liên tục thành phố dẫn đầu khối huyện, thị về chỉ số cải cách hành chính.
Công tác đối ngoại được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần vào việc tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư; củng cố, phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh, huyện thành phố, nước bạn Lào và Vương quốc Thái Lan.
Một góc thành phố Hà Tĩnh trên tuyến Quốc lộ 1A |
Để trở thành đô thị năng động, phát triển với vóc dáng hiện đại, một trong những ưu tiên hàng đầu của TP Hà Tĩnh là tập trung công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung và vùng phụ cận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được duyệt, quy hoạch nông thôn mới 6/6 xã; quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc 5 phường nội thành; phê duyệt đồ án quy hoạch mới..
Thành phố đã huy động mọi nguồn lực và kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư vào xây dựng các tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị mới; tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các sở chuyên ngành để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường chính như đường Nguyễn Công Trứ, Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Hà Tĩnh ... Đến nay các tuyến giao thông đối ngoại được phát triển, mạng lưới đường giao thông đối nội của thành phố được xây dựng khá hoàn chỉnh tại khu vực nội thành cũ và đang tập trung xây dựng tại khu vực mở rộng.
Về giáo dục, trong 3 năm thành phố đã xây dựng mới 27 trường học công lập; thu hút nhà đầu tư xây dựng 04 trường học tư thục đưa vào khai thác sử dụng
Quá trình xây dựng thành phố Hà Tĩnh hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại II; bên cạnh các nguồn vốn đầu tư công được tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung Trung ương, ngân sách tỉnh, cân đối từ ngân sách thành phố, ngân sách xã; phần lớn nguồn vốn xây dựng được huy động từ nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong 3 năm qua, đã xây dựng hoàn thành hơn 157km đường giao thông, hơn 108.000m2 thảm nhựa, hơn 107.000 m2 lát vỉa hè, hơn 70km mương thoát nước; xây dựng, cải tạo hơn 70 nhà văn hóa tổ dân phố, thôn; xây mới và sữa chữa 711 nhà ở hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lắp đặt 2.016 mắt camare an ninh tại các tổ dân phố; nhân dân hiến hơn 26.100 m2 đất, đóng góp hơn 409.000 ngày công để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng…
Giai đoạn 2016-2018, thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 7.066,524 tỷ đồng (tăng 176% so với giai đoạn năm 2014 - 2015), trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm 88,56%.
Giai đoạn 2016-2018 đã có hơn 30 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó một số dự án sau khi hoàn thành đã góp phần thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của thành phố như Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom, dự án khu đô thị Bắc.
Hiện nay, ngoài sự nỗ lực mời gọi các dự án, như: Vincom Plaza, Vinpearl Hotel, dự án Khu đô thị Hàm Nghi - Vincity Hà Tĩnh, nhà ở xã hội, dự án căn hộ khởi nghiệp Winhouse, dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Thái Thượng Hoàng Hà Tĩnh...
Đến nay, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng đô thị và các tiêu chuẩn đô thị loại II được nâng lên. Hội đồng thẩm định cấp nhà nước đã thẩm định thành phố Hà Tĩnh đạt điểm số 86,62/100 điểm, với 57/59 tiêu chuẩn, được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Trong thời gian tới, TP Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của hành phố để phát triển KT - XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng CN - XD và TM - DV giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, củng cố bộ máy chính quyền và thực hiện tốt cải cách hành chính.
Giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững; củng cố và nâng cao tiêu chí đô thị loại II, xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Được biết, trong chuỗi hoạt động trong lễ công bố quyết định công nhận đô thị loại II, thành phố Hà Tĩnh sẽ tiến hành bắn pháo hoa tầm thấp G25- phi 60, loại 120 giàn, thời gian bắn 15 phút. Số tiền sử dụng trong đợt bắn pháo hoa lần này được huy động từ xã hội hóa.
Thành phố Hà Tĩnh là tỉnh lị của tỉnh Hà Tĩnh thành lập từ 1931 cùng thời điểm thành lập tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 1976 sáp nhập 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hà Tĩnh không còn nữa. Đến năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại được chia tách thành 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hà Tĩnh lại trở lại là tỉnh lị của tỉnh Hà Tĩnh.
Sau 28 năm tái lập tỉnh, trở lại vị thế trung tâm tỉnh lị, Đảng bộ và nhân dân TP Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển KT – XH. Năm 2006, được công nhận là đô thị loại III, ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 thành lập TP Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, với diện tích gần 56km2, có 16 đơn vị hành chính, hơn 11 vạn dân.