Theo những gì “Thiền Uyển tập anh” ghi chép, vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, Vua Đường Ý Tông (860 – 873) luôn nuôi âm mưu đô hộ nước ta mãi mãi. Tuy nhiên, Vua Đường nhận thấy vùng đất ấy, thời kỳ nào cũng có những nhân tài nổi lên. Bởi vậy, muốn chiếm lấy nước ta Vua Đường bèn tìm cách trấn yểm linh khí của nước Nam. Năm Giáp Thân (864), để thực hiện mưu đồ của mình, Vua Đường cho Cao Biền đến Giao Châu làm Tiết Độ Sứ.
Huyền thoại Cao Biền trấn yểm châu Cổ Pháp
Tướng lĩnh triều Đường Cao Biền (821 – 887) là người đầu tiên trở thành Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân (là tên gọi Việt Nam từ cuối thời Bắc thuộc lần 3 tới hết thời loạn 12 sứ quân, kéo dài 102 năm từ 866 – 968 – PV) trong lịch sử Việt Nam.
Cao Biền là người giỏi về thuật phong thủy, xem địa lý, đoán cát hung, do đó đã được Vua Đường lựa chọn giao quyền cai quản nước Nam ta vào thời đó. Trong “Thiền uyển tập anh” ghi lại rằng, trước khi đi Vua Đường dặn dò Cao Biền rằng: “Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn… Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm”.
Vâng lệnh Vua Đường, khi sang tới nước ta, Cao Biền đã dò xét rất kỹ vị trí để xây thành Đại La. Hắn đã cho xây dựng thành Đại La cao đến 2 trượng 6 thước, chu vi hơn 1982 trượng, trên thành xây 55 vọng gác, với nhiều điểm phòng vệ quân sự. Để làm rào chắn cho thành Đại La, Cao Biền đã tập trung các hộ ở vây quanh với bốn vạn căn nhà. Đồng thời, Cao Biền đến nước ta bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh thì đều yểm cả.
Riêng núi Tản Viên là Cao Biền không dám đụng tới vì cho rằng đó là chỗ thiêng liêng của chư thần thường ngự, không thể yểm được.
Việc tướng Cao Biền nhận lệnh trấn yểm phong thủy nước ta vẫn là một chủ đề còn gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh nhiều ý kiến phủ nhận thì theo một tập sách mang tên “Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự” do tác giả Vương Thị Nhị Mười biên soạn khẳng định điều này hoàn toàn có thật. Theo tài liệu này, vào năm 1427 Lê Lợi công phá thành Đông Quan bắt được Hoàng Phúc - Thượng thư bộ Công của nhà Minh nên thu được cuốn sách về phong thủy của Cao Biền.
|
Sách Hán - Nôm: Cao Biền Tấu Thư Địa Cảo. |
Hoàng Phúc sở dĩ có cuốn sách là do vua Minh trao cho hắn với nhiệm vụ xét duyệt lại xem còn huyệt lớn nào mà Cao Biền chưa yểm thì yểm nốt. Giống như bao triều đại Trung Quốc trước đó, nhà Minh luôn nuôi âm mưu thôn tính Đại Việt.
Không thể hoàn toàn dựa vào quân lực, nhà Minh muốn dùng thuật phong thủy trấn yểm hòng làm cho Đại Việt không thể nào sản sinh ra được những thế hệ nhân tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…, để đưa Đại Việt thành quận huyện của Trung Quốc.
Tập “Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự” này nói đến 632 huyệt chính cùng 1517 huyệt bàng từ Ninh Bình trở ra (thời Đường, lãnh thổ nước ta chỉ mới vào đến khu vực này). Những kiểu đất này đều là đất phát nhân tài anh kiệt, văn thì đến Tam khôi Trạng Nguyên, võ thì đến Quận công danh tướng… Tổng cộng là hơn 2.000 ngôi đất quý.
Ngoài tập “Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự”, Cao Biền còn một bản tấu nữa về phong thủy là Cao Biền tấu thư cửu long kinh. Bản tấu này đề cập đến 27 ngôi đại địa có thể phát đến đế vương ở nước ta. Trong 27 ngôi đất này có những ngôi đã kết phát rực rỡ như ngôi đất ở Tức Mặc – Nam Định đã tạo nên một Trần triều hiển hách võ công. Đặc biệt, trong những nơi mà Cao Biền nhắm đến có một điểm khá quan trọng, đó là Châu Cổ Pháp, nơi mà sau này đã sinh ra bậc hiền vương Lý Công Uẩn.
Để chặt đứt nơi có khả năng sinh ra đế vương trời Nam tại Cổ Pháp, Cao Biền cùng các thầy pháp và thầy địa lý của Trung Quốc đã ra tay “cắt đứt long mạch” bằng cách đục đứt sông Điềm và 19 điểm ở Phù Chấn để yểm. Châu Cổ Pháp hay Hương Cổ Pháp là một đơn vị hành chính Việt Nam xưa, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Châu này ngày nay bao gồm các làng Dương Lôi, Đình Bảng, Đại Đình và Phù Lưa, thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Thiền sư đánh bại Cao Biền, bảo vệ đế vương
Mặc dù mọi việc làm của Cao Biền được thực hiện một cách hết sức kín kẽ và quy mô nhưng âm mưu này đã bị thiền sư Thiền sư Định Không (730-808) đoán biết trước. Nói về Thiền sư Định Không, ông mang họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, thuộc dòng danh gia vọng tộc. Nhân duyên nhà Phật đến với Thiền sư Định Không khá muộn. Khi đã nhiều tuổi, trong một lần đi dự hội ở chùa Long Tuyền, được nghe Thiền sư nam Dương giảng kinh, ông lĩnh ngộ tôn chỉ, liền quy y đạo Phật.
|
Cao Biền - một tướng lĩnh giỏi phong thủy được Vua Đường sai sang tìm cách trấn yểm nước ta. |
Thiền sư Định Không là một trong 3 thiền sư thuộc thế hệ thứ 8 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tu hành ở chùa Thiện Chúng, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785-805) sự dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương. Khi xây chùa, thợ làm móng đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người đem ra sông rửa sạch, một chiếc rơi xuống sông trôi liệng mãi đến khi chạm đất mới nằm im.
Sư giải thích rằng: Thập khẩu là chữ cổ, Thủy khứ là chữ Pháp. Còn thổ là chỉ vào hương ta. Nhân đó đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Sư có làm bài tụng như sau: “Đất bày dâng pháp khí/Phẩm chất thuần túy đồng/Chuẩn bị cho Phật Pháp hưng long/Đặt tên là Cổ Pháp”. Sau đó Thiền sư tiếp tục đọc rằng: “Pháp khí hiện ra mười cái chung đồng/Họ Lý làm vua ba phẩm thành công”. Đây được coi là lời tiên đoán về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn, vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.
Vào năm 808, trước khi Cao Biền nhận lệnh Vua Đường sang cai quản nước ta, Thiền sư Định Không trước khi quy tịch, đã nói với đệ tử Thông Thiện: Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta.
Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành. Nói xong, sư cáo biệt rồi qua đời, thọ 79 tuổi. Có thể thấy, Thiền sư Định Không đã tiên đoán được việc Cao Biền phá phong thủy và việc người kế tục đệ tử của ông sẽ mang họ Đinh.
Sau này, vị đệ tử mà Thiền sư Định Không nhắc tới chính là Thiền sư Đinh La Quý (852 – 936). Ông là vị thiền sư Việt Nam thuộc thế hệ 10 của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi. Theo dân gian thì ngài La Quý là người rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai. Nhiều lời nói của ông được người đương thời xem là lời sấm ngữ dự báo.
Theo sách Thiền Uyển tập anh, biết được việc làm của Cao Biền tại hương Cổ Pháp, Thiền sư Đinh La Quý đã khuyên Khúc Lãm lấp lại những chỗ bị đào như xưa để nối lại long mạch. Sau đó vào năm 936 thời Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, sư Đinh La Quý trồng một cây hoa gạo ở chùa Châu Minh, làng Diên Uẩn thuộc hương Cổ Pháp (nay là xã Tân Hồng, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh).
|
Vua Lý Công Uẩn. |
Việc trồng cây gạo của thiền sư Đinh La Quý nhằm khôi phục lại long mạch bị Cao Biền phá gãy. Ngoài mục đích sinh ra chân mạng đế vương, chấn hưng đất nước còn vì bậc đế vương đó có thể phò dựng chính pháp làm hưng thịnh Phật giáo.
Sau khi trồng cây gạo, sư Đinh La Quý làm bài kệ như sau: “Đại sơn đầu rồng ngửng/Đuôi cù ẩn Châu minh/Thập bát tử định thành/Bông gạo hiện long hình/Thỏ gà trong tháng chuột/Nhất định thấy trời lên”. Bài thơ này được xem nhằm mục đích tuyên truyền cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu. Sau đó nhà Lý ra đời vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), ứng với sự tiên đoán của bài thơ. Có ý kiến cho rằng bài thơ do thế có thể được sáng tác trước lúc Lý Công Uẩn lên ngôi không lâu.
Trước khi viên tịch, ông còn dặn lại sư Thiền Ông: “Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm dấu trong đó, chớ cho người thấy”. Dặn dò xong, Đinh La Quý viên tịch, thọ 85 tuổi.
Cây gạo ông trồng sau này trở thành một sinh vật đặc biệt gắn liền với lịch sử Việt Nam. Bảy mươi ba năm sau, năm 1009, cây gạo bị sét đánh nhưng không chết, tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm. Bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán đúng các sự kiện trong lịch sử Việt Nam: việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê. Và rồi, cây gạo bị bão đánh đổ năm 1966 sau 1030 năm tồn tại.
Đúng như lời đoán trước khi mất của thiền sư La Quý, Vua Lý Công Uẩn là người làng Cổ Pháp. Khi ông lên ngôi đã duy hộ Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định. Kể từ đó, Đại Việt hùng mạnh, mở ra thời kỳ thịnh trị.