Khai mạc website Triển lãm “Vì Hạnh phúc của mỗi người”

(PLVN) -Điểm nhấn của Triển lãm là tìm tòi để giới thiệu tới công chúng các tư liệu phản ảnh giá trị tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam, được lựa chọn từ kho di sản mộc bản, châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Các đại biểu ấn nút khai trương triển lãm.
Các đại biểu ấn nút khai trương triển lãm.

Sáng nay (24/12), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tổ chức Triển lãm ảnh và tài liệu lưu trữ thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi “Vì Hạnh phúc của mỗi người”.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ TT&TT  Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, để thích ứng với điều kiện bình thường mới khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Triển lãm năm 2020 chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trên website với mong muốn Triển lãm đến với đông đảo khách  tham quan trong và ngoài nước một cách sinh động nhất.

Nhấn mạnh quyền con người là các quyền tự nhiên được tạo hóa ban cho, và cũng là thành quả đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc, Thứ trướng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn làm hết sức mình để thực hiện quyền con người trên thực tế, thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Chính sách nhất quán này cũng có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc Việt Nam hòa hiếu, nhân văn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc triển lãm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc triển lãm. 

Những năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Hiến pháp 2013 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy Nhà nước Pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người. 

Bên cạnh đó, Việt Nam không những bảo đảm đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Triển lãm giới thiệu đến khách tham quan 200 bức ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt- Anh.
Triển lãm giới thiệu đến khách tham quan 200 bức ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt- Anh. 

“Triển lãm của chúng ta nhắm tới mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền con người trong nhân dân, trong các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, và đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật; quảng bá hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống nhân văn, một Việt Nam có trách nhiệm với người dân của mình và cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện sinh động qua công tác chống dịch Covid-19 hiệu quả trong năm qua”- Thứ trưởng Bảo nêu rõ.

Từ ngày 24/12/2020, Ban Tổ chức Triển lãm đăng tải 200 ảnh, tài liệu trên nền tảng 3D, 09 phim ngắn giới thiệu các chủ đề của Triển lãm trên 02 websites có tên miền: www.vihanhphucmoinguoi.vn và www.vihanhphucmoinguoi.com.
Tất cả 200 ảnh và tài liệu được chú thích song ngữ Việt - Anh theo 04 nhóm chủ đề chính. Trong đó, Chủ đề 1 bao gồm nhóm tài liệu cổ phản ánh tư tưởng quyền con người ở các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhóm này gồm 94 hình ảnh của 30 tài liệu, mặt khắc cổ được chọn từ hai nguồn: Mộc bản Triều Nguyễn (di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009) và Châu bản Triều Nguyễn (di sản Tư liệu Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 30/10/2017)

Chủ đề 2 là những tài liệu về thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam từ 1945 đến nay. Được chia làm hai giai đoạn: nhóm ảnh tài liệu giai đoạn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và CHXHCN Việt Nam trước Đổi mới (1945-1986) và nhóm ảnh tài liệu sau Đổi mới đến nay.

Chủ đề 3 là những hình ảnh, tài liệu về Việt Nam bảo đảm các quyền con người trong đại dịch Covid-19. Chủ đề 4 có tên gọi: Quảng Nam - Đổi mới và phát triển.

Đọc thêm