Khai thác “mỏ vàng khổng lồ” để phát triển công nghiệp văn hóa

(PLVN) - Kho tàng văn học dân gian Việt Nam là “mỏ vàng khổng lồ” đang được các nhạc sĩ trẻ tài năng khai thác đầy sáng tạo để chinh phục và “hâm nóng” tình yêu văn chương cho khán giả, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa.
Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã làm khuynh đảo thị trường âm nhạc.

Không phải ngẫu nhiên bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh làm khuynh đảo thị trường âm nhạc, gặt hái rất nhiều giải thưởng vàng tại “Làn sóng xanh”, “Giải âm nhạc Cống hiến”…

Với tiết tấu vừa sôi động, vừa gần gũi nhờ âm hưởng ngũ cung, phảng phất âm hưởng dân gian Tây Bắc, vừa thời thượng với chất nhạc hiện đại, đan xen với nhạc điện tử và rap, “Để Mị nói cho mà nghe” là một ca khúc bắt tai, dễ thuộc. Và hơn thế, phần MV của ca khúc, với sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nổi tiếng nhất đã được MV thể hiện đầy duyên dáng như: Mị, lão Hạc, cậu Vàng, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu... đã khiến cho ca khúc này trở nên gần gũi với đông đảo công chúng.

“Bống bống bang bang” là bài hát do Only C sáng tác, nhóm nhạc 365 thể hiện, được sử dụng làm nhạc phim cho “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. “Bống bống bang bang” có nhiều yếu tố để được yêu thích.

Về mặt hình ảnh, trong MV, các thành viên 365 hóa thân thành những nhân vật dân gian như Trạng Tí, Dần béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”. Đây tiếp tục là những hình ảnh rất quen thuộc trong tuổi thơ của mỗi người.

Đặc biệt, phần vũ đạo hài hước, đáng yêu và cũng dễ thực hiện sau đó đã tạo nên trào lưu cover trên mạng xã hội. Điều đó càng khiến lượt xem của MV tăng không ngừng. Sự bùng nổ của ca khúc thu hút sự quan tâm từ nhiều nhóm công chúng đến từ các độ tuổi, ngành nghề với sở thích và gu thưởng thức âm nhạc khác biệt. Nhiều nơi còn đặt cho “Bống bống bang bang” cái tên “ca khúc quốc dân”. Hơn 500 triệu view của MV, có lẽ chưa từng có một bài hát nào làm được trước đó.

“Vợ chồng A Phủ” cũng từng được một nghệ sĩ rất “hot” trong giới trẻ có nghệ danh Đen đưa vào bài hát cùng tên, thể loại Rap với ngôn từ hiện đại, đã chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ.

Ca khúc “Thủy thần” do Đức Anh sáng tác, lấy cảm hứng từ Sơn Tinh, Thủy Tinh, với ngôn từ vừa day dứt vừa mạnh mẽ, đầy sáng tạo khiến giới trẻ thích thú.

Nhạc sĩ Sa Huỳnh đã viết ca khúc “Hoạn Thư” với cảm quan đầy cảm thông, thương xót một Hoạn Thư đảm đang, tài giỏi nhưng không được hưởng cuộc hôn nhân trọn vẹn, hạnh phúc…

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được phê duyệt có nội dung: “Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt”.

Có thể nói, âm nhạc dân gian đương đại với chất liệu dân gian ngọt ngào, sâu lắng có lẽ sẽ mãi là mạch nguồn khơi gợi cảm hứng sáng tác cho các thế hệ nghệ sĩ khai thác. Dù mỗi người một cách tiếp cận nhưng thông qua lăng kính của các nghệ sĩ chất dân gian sẽ làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam, giữ gìn bản sắc Việt cũng như giúp công nghiệp văn hóa cất cánh.

Tại “Hội thảo hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, trong thời đại 4.0”, ông Lee Soo Man - Chủ tịch SM Entertainment nhận định Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều cơ hội để hợp tác trong ngành công nghiệp văn hóa giải trí. Theo ông Lee, công nghiệp giải trí của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 10,7%/năm trong nhiều năm tới, vượt xa mức trung bình 5%/năm của thế giới.

“Việt Nam và Hàn Quốc là hai đất nước khá tương đồng về lối sống, suy nghĩ, đặc biệt là văn hoá Nho giáo. Việt Nam lại là một quốc gia trẻ trung, năng động với 65% dân số dưới 35 tuổi thì việc xây dựng nền văn hoá giải trí đẳng cấp, đóng góp vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc đã từng làm là điều rất khả thi” - ông Lee Soo Man nhấn mạnh.

Đọc thêm