Nghị định số 85/2021/NĐ-CP Chính phủ đã ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động TMĐT nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT.
Ông Phạm Ngọc Sơn - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tiếp nhận thông tin, tin báo, phản ánh của người tiêu dùng về hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã kiểm tra 30 vụ; qua đó phát hiện, xử phạt 9 vụ vi phạm với số tiền 164 triệu đồng và tịch thu một số hàng hóa nhập lậu để xử lý theo quy định".
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 85, Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã có Công văn số 407 ngày 7/10 yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị nội dung nghị định, nhất là những điểm mới cần lưu ý."
Theo quy định mới, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Thông tin trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm.
Ngoài ra, người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Ngoài ra, tất cả các website TMĐT phải công bố về chính sách kiểm hàng, hoàn trả hoặc đổi hàng đã mua, chi phí cho việc hoàn trả…Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT, gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng. Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
"Như vậy, từ ngày 1/1/2022, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động TMĐT thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram...", ông Sơn cho biết.
Quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử đã và đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong trong việc xác minh và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng.
Tuy vậy, với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ “an tâm” hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn thương mại điện tử có nhiều hơn 02 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài.