Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với hơn 162.000 lao động. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, làm gần 20.000 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động; gần 300 DN phải dừng hoạt động; 70 DN bị phong tỏa, cách ly với gần 2.000 lao động.
Thống kê của Tỉnh đoàn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, có hơn 2.000 lao động từ các tỉnh phía nam được hỗ trợ đón về địa phương hoặc người dân tự trở về. Có khoảng 40% NLĐ trở về có nhu cầu, mong muốn được ở lại làm việc, học nghề tại quê hương.
Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Nhận thấy đây là nguồn lao động góp phần cung ứng nhân lực cho các DN trên địa bàn tỉnh, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để khảo sát lại nhu cầu việc làm, học nghề của những NLĐ trở về từ các tỉnh, thành khác. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ thông báo mời họ tham dự các phiên giao dịch việc làm được tổ chức lưu động tại các địa phương để kết nối cho NLĐ gặp gỡ trực tiếp với các DN tuyển dụng. Đồng thời, tư vấn học nghề, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho NLĐ lựa chọn thông qua website và các trang mạng xã hội…"
Để bảo đảm an sinh cho hàng nghìn lao động hồi hương, các đơn vị liên quan tại tỉnh Khánh Hòa đã chủ động kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, DN phát triển, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho NLĐ.
Để triển khai hiệu quả giải pháp này, các ngành chức năng đang thực hiện rà soát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lại tay nghề cho lao động. Trên cơ sở đó, ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn giới thiệu việc làm, mở rộng các phiên giao dịch việc làm; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, công tác đào tạo nghề sẽ tập trung ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho NLĐ tại các DN, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.