Đàn ông Việt có thích khi được “nghỉ đẻ”?
Câu trả lời bao gồm cả có và không, và tỷ lệ phần trăm theo nhận định của người viết là ngang nhau. Có nghĩa là, cứ một ông chồng muốn được nghỉ ở nhà chăm vợ đẻ thì cũng có một ông chồng khác coi việc đó là việc của đàn bà, đàn ông liên quan gì mà mó tay vào.
Anh Phạm Ngọc Tiến ở phố Mai Hắc Đế, Hà Nội vẫn được bà con hàng xóm nhắc đến vì một “kỳ tích” xin nghỉ không lương hẳn một tháng để chăm vợ đẻ.
Anh cho biết, vợ anh thể lực yếu sẵn nên chuyện chửa đẻ thực sự là gánh nặng. Biết vậy, vợ chồng anh đã bàn nhau tích cóp tiền để khi vợ sinh, chồng xin nghỉ việc đỡ đần.
“Một tháng ở nhà chăm vợ, tôi mới biết chuyện chửa đẻ của phụ nữ khổ cực thế nào. Giờ Nhà nước có chính sách là tốt rồi, nhưng với tôi 5 ngày vẫn quá ít, sau này khi vợ sinh đứa thứ hai, tôi cũng sẽ xin nghỉ một tháng như đứa đầu để chăm vợ, con” – anh Tiến cho biết.
Khác với anh Tiến, ông bố trẻ Nguyễn Anh Huy công tác tại một tổ chức phi chính phủ trụ sở đóng tại thành phố Hồ Chí Minh lại tỏ ra ngại ngần khi nghe đến chuyện “phải” ở nhà chăm vợ đẻ.
Anh Huy vốn là con trai duy nhất trong một gia đình nhiều chị em gái nên từ nhỏ không phải đụng tay chân vào việc gì. Lấy vợ, người vợ lại tự nguyện ở nhà nội trợ chăm lo gia đình nên đi làm về anh Huy chỉ biết mỗi việc ăn uống, xem ti vi, chơi điện tử giải trí.
“Nói thật là tôi không hình dung nổi mình sẽ làm gì nếu phải ở nhà chăm vợ đẻ. Mà chắc là bà nội, bà ngoại cũng không nỡ lòng nào để tôi làm việc đó. Hơn nữa, nhà chỉ có mình tôi đi làm lo kinh tế, nên giờ nghỉ thì rất gay go. Ai chứ tôi là tôi phản đối quy định này” – anh Huy nói thẳng.
Bây giờ Nhà nước mới có quy định này chứ với những lao động nam công tác tại Tòa soạn Báo Phụ Nữ Việt Nam thì chuyện vợ đẻ, chồng nghỉ đã được thực hiện từ lâu theo quy chế của cơ quan. Và nhìn chung là tất cả các anh em đều hào hứng với kỳ nghỉ để thể hiện tình yêu làm chồng, trách nhiệm làm cha này.
Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia cho phép lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con và mới đây nhất Mark Zuckerberg, ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới đã quyết định khi nghỉ làm 2 tháng để chăm vợ đẻ.
Nếu tính một cách cơ học là vị CEO của Facebook này không nhận lương trong quá trình nghỉ làm thì Mark Zuckerberg đã chấp nhận bỏ hơn 1tỷ USD trong 2 tháng để ở nhà với vợ con.
“Một số nghiên cứu đã cho thấy khi bố mẹ nghỉ làm và dành thời gian bên em bé mới sinh sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho đứa trẻ và gia đình họ” - Zuckerberg viết trên trang cá nhân và cho rằng sự lựa chọn của mình là một quyết định mang tính cá nhân.
Phụ nữ có thích nhìn thấy chồng ở nhà?
Khi được hỏi, chị Yến Anh ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội cho biết, vì đã có “kinh nghiệm đau thương” với lần sinh đứa con đầu nên chị không khoái gì chuyện đức ông chồng ở nhà chăm vợ đẻ.
“Nhà ở khu tập thể thì chật chội, khi tôi sinh con, dù ở nhà nhưng ỷ có bà nội, bà ngoại chăm nên ông ấy toàn nằm khoèo xem ti vi. Gái mới đẻ đau đầu, trẻ sơ sinh thì cần yên tĩnh mà ông ấy cứ bật tiếng to tướng lên.
Đến bữa, mọi người bận lo cho trẻ con, chưa thấy dọn cơm là ông ấy kêu đói ầm ĩ. Ở nhà cả ngày nhưng chẳng bế con đỡ vợ được tí nào, chỉ có mỗi việc ôm chậu đi giặt ngày hai bận thôi”.
Đồng quan điểm, chị Minh Hương, một sản phụ vừa sinh con cho rằng, tốt nhất chồng cứ đi làm kiếm tiền cho gia đình, tối về nhà bế con, hỏi thăm vợ thế là ổn, không cần nghỉ làm, vì có nghỉ cũng không làm được những việc “tế nhị” chăm bà đẻ.
“Chăm gái đẻ là việc của phụ nữ, các ông ấy ở nhà có khi chỉ vướng chân thêm” - chị Thu nêu quan điểm.
Đã từng phải đuổi chồng đi làm khi thấy chồng mang tiếng nghỉ phép chăm vợ đẻ nhưng cứ chúi mũi vào công việc, nhưng chị Phương Mai ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn vui vẻ chào đón quy định mới này.
Chị cho biết lần sinh con này đã có kế hoạch “sử dụng” 7 ngày nghỉ của chồng (vì chị dự kiến sinh mổ) để biến chồng thành người đi chợ, cơm nước vì hai bà nội, ngoại đã yếu cả, không thể kham cả việc chăm gái đẻ lẫn nội trợ được.
Theo các chuyên gia xã hội học, ảnh hưởng văn hóa Á Đông nên trong suy nghĩ của nhiều đàn ông, phụ nữ Việt, đàn ông là trụ cột, mà đã là trụ cột thì phải ra ngoài kiếm tiền, thay vì ở nhà chăm con, chăm vợ. Phần việc đó sẽ được dành cho bố mẹ hai bên hoặc người giúp việc.
Thế nên, cũng không quá ngạc nhiên khi không ít phụ nữ không thích chồng ở nhà chăm sóc khi mình sinh nở, dù rằng bản thân họ cũng đã từng khóc vì tủi thân khi bị chồng thờ ơ, kém quan tâm.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016, nam giới sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong thời gian vợ sinh con. Theo đó, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/1con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật.
Thời gian nghỉ theo quy định là trong 30 ngày đầu tiên sau khi sinh con, sau 30 ngày không được nghỉ nữa. Đây là quy định hoàn toàn mới của pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Bảo hiểm xã hội nói riêng vì trước đây chưa bao giờ có quy định cho phép lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.