Bảo kê quán café với cái bụng… đầy luật
Hơn 30 tuổi, với gia đình, họ hàng ở quê, Tuấn đã được gắn mác “người thành phố” cả 10 năm có lẻ. Từ ngày xách ba lô đi học ĐH, Tuấn đã mặc nhiên nhận trọng trách của gia đình, của bà con chòm xóm về một sự đổi đời, về quyết tâm phải phải bám trụ lại thành phố.
Thế nhưng, tốt nghiệp khoa Luật của một trường ĐH dân lập với tấm bằng trung bình, việc lập nghiệp theo đúng chuyên ngành đào tạo của Tuấn là một điều quá khó khăn. Ở nơi đất chật, người đông này, tìm một công việc để có thể vận dụng được cái kiến thức học hành làng nhàng của anh cũng khó tựa hái sao trên trời, nhất là khi Tuấn lại không phải là người hoạt ngôn, giỏi giao tiếp.
Trong những lần lang thang xin việc, Tuấn gặp một bà chủ quán café. Thấy anh chàng khỏe mạnh, thật thà, bà chủ tuyển dụng Tuấn làm bồi bàn, rồi làm người trông coi những khi chủ quán có việc đi vắng. Chấm dứt những ngày vác đơn đi la cà khắp nơi, sáng sáng Tuấn bắt xe buýt đến quán café, tối bắt xe buýt về. Ngày này nối tiếp ngày kia như thế, ước mơ tìm một công việc đàng hoàng hơn của Tuấn dần dần khép lại. Tuấn cũng chẳng bao giờ dám bén mảng nghĩ đến ước mơ cháy bỏng một thời – được làm luật sư “chém gió” giữa phiên tòa.
Tuấn tin vào số phận, vào chữ “nghiệp” đứng sau chữ nghề. Bởi gần chục năm trời, cũng đã nhiều lần thay chủ đổi chỗ làm, Tuấn vẫn gắn bó cuộc sống của mình với những quán café nhỏ bên hè phố. Công việc của Tuấn hiện tại là kê một chiếc ghế bên vỉa hè, ngày ngày ngồi đó đọc báo, trông xe cho khách. Khoản tiền dăm, ba triệu đồng mỗi tháng, chẳng bõ bèn gì cho cuộc sống thành phố. Nhưng Tuấn tự cho mình quyền dừng lại những ước mơ khi không thể kiếm được một chỗ làm tử tế hơn.
Ý định quay trở về quê cũng không bao giờ xuất hiện trong đầu anh luật sư hụt. Bởi Tuấn không biết mình sẽ kiếm ra tiền như thế nào với mảnh đất cằn cỗi ở quê mình. Và cứ ngày lại ngày, anh ngồi lê vỉa hè, năm một đôi lần tích tiền về thăm quê trong chiếc áo phẳng phiu phảng phất mùi thành phố.
Mỗi lần Tuấn vê quê, cái xóm nhỏ của Tuấn lại xôn xao, nhộn nhịp từ trong nhà ra ngoài ngõ. Ước mơ thoát khỏi mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi, mùa đông rét thấu xương, mùa hè nắng đến cháy da cháy thịt đã đè nặng nên những người quê Tuấn. Cũng bởi lẽ đó, khóac cái áo “người Thành phố”, Tuấn chưa một lần dám bật mí: Cậu chỉ là kẻ “ngồi lê vỉa hè”.
Cô cử bán xôi sáng
Vân tốt nghiệp một trường về báo chí. Với cái bằng báo chí của cô, “về quê có mà… lấy bằng ra gặm” – cô nghĩ thế. Vì vậy, ngày Vân lấy chồng, một anh chồng người thành phố, cả nhà cô mừng lắm. Bố mẹ cô tưởng đâu như chỉ ngày mai thôi, cuộc đời con gái mình sẽ bước sang một trang khác sáng sủa tưng bừng.
Ngặt nỗi, dù là người ba đời gốc Hà Nội, nhưng bố mẹ chồng Vân cũng chỉ là những người công nhân về hưu, cuộc sống nghèo nàn, không có mối quan hệ rộng rãi. Chồng cô cũng chỉ là một anh chàng bộ đội chuyên nghiệp ít quan hệ xã hội.
Gia cảnh đó, chẳng ai khác ngoài Vân phải bươn bả vác tấm bằng tốt nghiệp của mình đi gõ cửa các nơi. Con dâu mới sống trong một gia đình không mấy khá giả, Vân tất bật bổn phận dâu mới, không có thời gian để rong ruổi, thu thập tin bài. Cũng chính bởi thế, chẳng có tòa soạn nào tiếp nhận một phóng viên chỉ có “tài sản” là một tấm bằng cử nhân báo chí, không kinh nghiệm, không thể chứng minh khả năng…
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Đến khi cô phát hiện mình có thai, cũng là lúc cô biết phải cất tấm bằng cử nhân vào góc tủ. Đến nay, con vẫn đã đi học lớp 1, cô đã không còn dám mơ lại thời mình đã từng là sinh viên, từng mơ ước được là một nữ nhà báo giỏi.
Chồng cô cũng đã có ý định đưa vợ con về nơi đơn vị đóng quân – một mảnh đất ngoại thành không xa trung tâm Hà Nội là mấy. Cô có thể vào làm cho một đài phát thanh huyện, hoặc một cơ quan nào đó trong ủy ban huyện. Nhưng Vân từ chối. Tiếp nhận nồi xôi sáng của mẹ chồng và quán trà đá của bố chồng nơi vỉa hè, Vân cam phận làm người thành phố một cách lặng lẽ. Nếu tính về thu nhập, Vân có thể khá an tâm khi có thể cáng đáng được một gia đình 4 người. Tuy nhiên, nhiều khi thấy bóng bạn cũ vụt đi qua, cô vẫn nhìn theo với ánh mắt hoang hoải đầy tủi phận.
Nữ kế toán đi làm “ôsin”
Ngày Phương lên thành phố học, mẹ cô chỉ biết dúi theo con gái gói muối lạc rang mặn. Đến cả tiền học phí của Phương mẹ cũng chỉ biết giao phó cho cô chị đang là sinh viên năm cuối. Mang theo gói muối lạc và giọt nước mắt của người mẹ nghèo, Phương biết mình chỉ còn cách phải tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống, như cách mà chị gái Phương đã làm khi bắt đầu ra Hà Nội học.
Không dễ dàng chọn cho mình được công việc thu nhập cao, nhàn nhã, chị em Phương tranh thủ thời gian rảnh giúp việc cho những gia đình ở gần khu trọ. Nhờ sự chăm chỉ, sạch sẽ, lại thật thà, chịu thương chịu khó, chị em Phương được các nhà chủ rất yêu quí. Người này giới thiệu người kia, khiến hai chị em tất bật tối ngày. Ngoại trừ giờ đến lớp, hai chị em lại hối hả chạy “sô” đi làm người giúp việc. Có nhà chỉ cần đến làm một tiếng lúc buổi sáng để giặt giũ, phơi phóng quần áo, nhà cần chuẩn bị bữa trưa, nhà cần giúp việc lúc tối, có gia đình chỉ cần 2, 3 tiếng trong tuần để dọn dẹp nhà cửa…
Trung bình một ngày Phương làm cho 4, 5 nhà, với giá 50.000 đ/giờ, ít nhất cô cũng có được 2- 3 trăm ngàn đồng. Những ngày thứ 7, chủ nhật, thu nhập của Phương sẽ gấp đôi, gấp ba. Số tiền này không chỉ giúp Phương tự trang trải cuộc sống của mình, mà còn gói ghém đỡ đần được mẹ ở nhà đang còn nuôi 2 đứa em đi học.
Sau 3 năm ròng rã, cô “ô-sin” đã hoàn thành chương trình học. Với nghiệp vụ kế toán, Phương không khó để xin việc ở thành phố. Nhưng mức lương cho người bắt đầu đi làm, sự gò bó trong thời gian… khiến Phương dễ dàng nhận ra sự chênh lệch không nhỏ so với công việc “ôsin” bán chuyên của mình.
Con số của sự chênh lệch đó lại càng lớn hơn khi cô so sánh nó với mức thu nhập cô có được khi về quê làm việc. “Ở quê em, các doanh nghiệp tư nhân cũng nhiều. Để kiếm được việc đúng chuyên môn không quá khó khăn. Nhưng thường thì lương chỉ 1 – 2 triệu tháng. Thu nhập như thế không đủ trang trải cuộc sống của em và đỡ đần gia đình. Thà ở thành phố làm ôsin còn nhiều tiền hơn. Không những thế, ở đây em còn có cơ hội để học thêm tiếng Anh. Em cũng hy vọng sẽ kiếm được công việc ổn định, có thu nhập tốt hơn” – Phương chia sẻ về lý do chọn bám trụ thành phố.
Phương cũng tiết lộ, trước đây, một cô bác sỹ mà phương giúp việc hàng ngày có hứa sẽ tuyển phương vào công ty của chồng cô ấy, khi Phương tốt nghiệp. Nhưng thật đen đủi, Phương chưa kịp ra trường thì công ty của nhà chủ phá sản. Giấc mơ bị đổ bể, nhưng Phương vẫn không ngừng mơ tới những cơ hội như thế để có thể tự hào về cái mác ‘người thành phố” của mình.