Không ngủ ở London

(PLVN) -"Đừng bỏ qua Cung điện Buckingham và Cầu tháp London" - một anh bạn nhắn nhủ trước khi tôi tới Vương quốc Anh. Nhưng quả thực, London có nhiều thứ hấp dẫn hơn tôi tưởng.
Những khu phố sầm uất ở London
Những khu phố sầm uất ở London

"Hôm nay Nữ hoàng ở nhà"

Tháng 7/2019, tôi cùng Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam sang Vương quốc Anh theo học Khóa đào tạo về bổ trợ tư pháp và trọng tài thương mại tại Đại học London Metropolitan, một trong những trung tâm đào tạo nổi tiếng của Vương quốc Anh.

Trước chuyến đi, tôi không nghĩ rằng những ngày ở London lại mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm tuyệt vời như vậy.

Hiếu, cậu dẫn đoàn có gương mặt điển trai và lịch lãm đón chúng tôi ở Sân bay Heathrow với nụ cười tươi rói. Vì Hà Nội đang là mùa hè và chúng tôi cũng được thông báo thời tiết ở London đang rất đẹp nên cái se lạnh cộng vài hạt mưa nhỏ ở Sân bay làm tôi hơi khựng lại.

Nhờ sự chu đáo của chị Bùi Thị Nguyệt Ánh ở Vụ Tổ chức cán bộ, chúng tôi được bay thẳng từ Hà Nội tới London nên có 1 buổi sáng trống lịch trước khi làm thủ tục nhận phòng ở khách sạn. Rất nhanh nhẹn, Hiếu mời cả đoàn lên xe rồi dẫn thẳng chúng tôi đến Cung điện Buckingham.

Mới khoảng 9h sáng giờ London nhưng dòng người đổ về tham quan Cung điện đã đông như trảy hội. Nhìn lên nóc Cung điện, Hiếu reo lên "Hôm nay Nữ hoàng ở nhà!" khiến tất cả chúng tôi đều phấn khích. Thì ra, theo bật mí của Hiếu, hôm nào Nữ hoàng Elizabeth II ở nhà thì lá cờ trên nóc Cung điện sẽ được thả bay trong gió, còn nếu Nữ hoàng có việc đi ra ngoài thì lá cờ sẽ được cột lại. Chúng tôi thật may mắn vì "gặp Nữ hoàng ở nhà" ngay khi vừa tới London!

Theo bật mí của Hiếu, hôm nào Nữ hoàng Elizabeth II ở nhà thì lá cờ trên nóc Cung điện sẽ được thả bay trong gió
 Theo bật mí của Hiếu, hôm nào Nữ hoàng Elizabeth II ở nhà thì lá cờ trên nóc Cung điện sẽ được thả bay trong gió

Cách dẫn chuyện dí dỏm của cậu nghiên cứu sinh đang theo học tại London "chạy sô" dẫn Đoàn vào các ngày nghỉ khiến chúng tôi quên cả mệt mỏi sau hơn 13 giờ bay thẳng từ Hà Nội tới Sân bay Heathrow.

Chỉ trong vòng 1 buổi sáng, chúng tôi đã kịp "check in" khắp các địa điểm nổi tiếng ở London như Cầu tháp London, Đồng hồ Big Ben, Vòng xoay thiên nhiên kỷ cao nhất Châu Âu (London Eye).... mà vẫn còn thời gian ngồi nhâm nhi li bia bên cạnh một khu cảng cổ kính gần Cầu tháp London.

Cầu Tháp London - Một địa điểm du lịch nổi tiếng
Cầu Tháp London - Một địa điểm du lịch nổi tiếng 

Không bỏ phí một phút!

Lịch học tại Đại học London Metropolitan dày đặc, bắt đầu từ 9h sáng tới 4 giờ chiều với nhiều tọa đàm, hội thảo cùng các tổ chức luật sư, trọng tài nổi tiếng bên ngoài để các cán bộ đến từ Bộ Tư pháp Việt Nam có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm về bổ trợ tư pháp và trọng tài thương mại.

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng có một buổi nghe giáo sư thuyết trình về lý thuyết và đi đến 2 - 3 nơi khác nhau để tọa đàm, trao đổi. Trong 1 tuần ở London, ngoài các buổi thuyết trình của các giáo sư tại Đại học London Metropolitan, chúng tôi còn đến tọa đàm với các luật sư, trọng tài nổi tiếng ở Chambers 4-5 Gray’s Inn, 9 Stone Buildings Barristers’ Chamber, Học viện Luật Quốc tế và So sánh Anh (BIICL), Viện Trọng tài Anh quốc (CIArb)...

Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia tại CIArb
 Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia tại CIArb 

Mỗi sáng, chúng tôi đều mất  hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe buýt từ Holiday Inn Express, một khách sạn nhỏ vùng ngoại ô vào trung tâm thành phố. Bù lại, nơi chúng tôi ở gần ngay một ga tàu điện ngầm và một trung tâm thương mại sầm uất. Và thế là, cứ mỗi khi lịch làm việc của một ngày kết thúc, cả đoàn lại bắt đầu một hành trình mới đi khắp London bằng tàu điện ngầm, đi bộ hàng tiếng đồng hồ thăm quan các địa danh nổi tiếng ở London mà không hề mệt mỏi.

Bà  Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp là một người trách nhiệm và cẩn thận. Không ngày nào chúng tôi không họp đoàn để thống nhất chương trình làm việc trong ngày cũng như phân công công việc cụ thể cho từng thành viên trong đoàn.

Cùng với Trưởng đoàn là người Việt Nam, ngay từ khi bước chân tới cổng Đại học London Metropolitan, chúng tôi đã được Ts. Maire O’Brien chào đón và thông báo bà sẽ là người phụ trách đoàn chúng tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu ở Vương quốc Anh. Quy định nghiêm khắc mà Ts. Maire O’Brien nêu ra là chúng tôi "Không được bỏ phí 1 phút" ở London Metropolitan University!

Và quả thực, Ts. Maire O’Brien là người rất nghiêm khắc, đúng giờ. Ấy thế mà sau những ngày theo sát cùng chúng tôi, khi khóa học kết thúc, trước khi giáo sư Giáo sư Brian Tutt, Trưởng phòng Công tác Sinh viên của Đại học London Metropolitan trao chứng nhận hoàn thành Khoá học cho 12 cán bộ đến từ Bộ Tư pháp Việt Nam, bà đã dành cho chúng tôi nhiều lời khen về  tinh thần học tập, nghiên cứu cũng như sự tích cực trong trao đổi, thảo luận.

Tàu điện ngầm xuyên đêm

Bỏ qua chuyện kẹt xe, bỏ qua chuyện giá thành đắt đỏ thì London quả thực là một điểm đến tuyệt vời khiến chúng tôi choáng ngợp.

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp không khỏi trầm trồ trước các bộ sưu tầm đồ sộ, vô giá ở Bảo tàng Anh và những bức tranh nổi tiếng đang được trưng bày ở Bảo tàng quốc gia London...

Báo được phát miễn phí tại các ga tàu điện ngầm ở London.
Báo được phát miễn phí tại các ga tàu điện ngầm ở London. 

Các cán bộ trẻ trong Đoàn như Vũ Quang Tuấn, Tổng cục Thi hành án dân sự; Nguyễn Ngọc Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội; Nguyễn Xuân Nam, Vụ Tổ chức cán bộ; Hoàng Thanh Thảo, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính; Ngô Thế Lập, Cục Bổ trợ tư pháp; Hà Thu Hương, Thanh tra Bộ; Hoàng Thị Ngọc Phượng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; Trần Thị Phương Liên, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế... lại khá ấn tượng với sự sầm uất của Trung tâm Tài chính London, nơi vừa có thể thấy di chỉ của thời kỳ La Mã cổ đại, vừa có các tòa nhà cao tầng hiện đại nối tiếp san sát nhau.

Các cán bộ trẻ trong Đoàn Bộ Tư pháp tới Vương quốc Anh lần này đều là những cán bộ có trình độ chuyên sâu trong những lĩnh vực mà mình phụ trách nhưng ai nấy đều trẻ trung, nhiệt tình và năng nổ. Không ai từ chối lời "rủ" đi xuyên đêm bằng tàu điện ngầm khắp London để tìm các sạp báo phát miễn phí ở Anh hay chỉ đơn giản là la cà trước các quán trà chiều để ngắm nhìn thói quen đọc báo giấy của những người Anh thong thả.

Các cán bộ trẻ rất hứng thú với Khu phố tài chính London
 Các cán bộ trẻ rất hứng thú với Khu phố tài chính London

Đằng sau mỗi địa danh ở Anh đều là một câu chuyện lịch sử, văn hóa thú vị. Ônh Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng phòng Quản lý cán bộ và giúp việc Ban Cán sự Đảng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp thích cái tĩnh lặng của Công viên Hoàng gia London nhưng cũng không ngớt trầm trồ trước những đường nét tinh xảo, hoa lệ của Nhà thờ Thánh Paul tọa lạc trên ngọn đồi Ludgate, một địa điểm cao nhất ở Luân Đôn.

Những bộ sưu tập vô giá trong các Bảo tàng ở Anh
Những bộ sưu tập vô giá trong các Bảo tàng ở Anh

Dường như, London không để ai thất vọng! Chỉ có các thành viên trong đoàn vẫn còn nhiều nuối tiếc vì thời gian ở London chưa đủ để đi và cảm nhận sự tuyệt vời của một trong hai trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới này.

"Mình đang ở mốc 0 giờ Greenwick"

Thật vui khi sang tới London, Đoàn chúng tôi có thêm sự góp mặt của Luật sư Nguyễn Trung Nam, đồng sáng lập EPLegal đang làm việc tại đây.

Qua câu chuyện của Luật sư Nguyễn Trung Nam, chúng tôi được biết hoạt động trọng tài ở Anh phát triển từ rất sớm. Theo quan điểm của pháp luật Anh cũng như người dân Anh thì kiện tụng là giải pháp cuối cùng và trong mọi hoạt động, giao dịch, các bên đều luôn cố gắng giải quyết tranh chấp trước khi phải đưa nhau đến Toà án. Do đó, các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó có trọng tài, luôn được các thương nhân cũng như người dân Anh ưa chuộng sử dụng.

 Luật sư Nguyễn Trung Nam đang cùng với các đồng nghiệp ấp ủ việc thành lập Chi nhánh Viện Trọng tài Quốc tế (CIArb) tại Việt Nam nên câu chuyện của chúng tôi có nhiều điểm ăn ý.

Thú vị hơn khi Luật sư Nguyễn Trung Nam giới thiệu thêm cho chúng tôi một địa danh nhất định nên đến trước khi cả đoàn rời London. Đó chính là Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, nơi có múi giờ +0, là tâm điểm của thời gian trên Trái đất, nơi giao nhau của hai bán cầu.

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Anh này được xây dựng làm cơ quan đo lường thiên văn tiêu chuẩn của Anh, dưới bàn tay thiết kế của kiến trúc sư Christopher Wren.

Đi xuyên qua công viên Greenwich với những hàng dẻ cổ thụ, chúng tôi đến bức tường gạch gắn một chiếc đồng hồ lớn được lắp đặt từ năm 1851. Đó chính là chiếc đồng hồ ghi giờ tiêu chuẩn quốc tế (GMT – Greenwich Mean Time).

Bức tường gạch gắn một chiếc đồng hồ lớn được lắp đặt từ năm 1851. Đó chính là chiếc đồng hồ ghi giờ tiêu chuẩn quốc tế (GMT – Greenwich Mean Time)
 Bức tường gạch gắn một chiếc đồng hồ lớn được lắp đặt từ năm 1851. Đó chính là chiếc đồng hồ ghi giờ tiêu chuẩn quốc tế (GMT – Greenwich Mean Time)

Để đánh dấu đường mốc kinh độ 0, các nhà khoa học cũng đã dùng một dải đồng gắn trên đá vân tạo thành đường thẳng chạy trên mặt đất, hai bên vạch ghi “Kinh Đông” và “Kinh Tây”, một đầu vạch được kéo dài tới chân tường ngôi nhà hai tầng cũ.

Để đánh dấu đường mốc kinh độ 0, các nhà khoa học đã dùng một dải đồng gắn trên đá vân tạo thành đường thẳng chạy trên mặt đất
 Để đánh dấu đường mốc kinh độ 0, các nhà khoa học đã dùng một dải đồng gắn trên đá vân tạo thành đường thẳng chạy trên mặt đất

Khi chúng tôi tới Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich là sáng thứ 7 nên có rất nhiều đoàn học sinh được các trường học ở Anh đưa đến tham quan, học tập tại địa danh nổi tiếng giàu bề dày lịch sử này. Nhìn sự trầm trồ, thích thú của các đoàn học khi tham quan Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich mới thấy, lịch sử và thiên văn học vẫn luôn là một chân trời cực kỳ hấp dẫn đối với loài người.

*** 

Vương quốc Anh không chỉ có Cung điện Buckingham, những Bảo tàng vô giá, những đại học danh tiếng, các thành phố sầm uất với những điểm du lịch nổi tiếng.... Vương quốc Anh cũng còn có cả những góc khuất với giấc mơ đổi đời từ dòng người di cư bất hợp pháp đang cược mạng sống của mình bên trong những container lạnh ngắt.

Và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn với khát vọng về một ngày mai phát triển hơn trong sự giao thoa văn hóa, tri thức của nhân loại. Trong hành trình ấy, nước Anh vẫn là một điểm đến tuyệt vời cho hành trình của mỗi chúng ta.

Đọc thêm