Không về đích chỉ tiêu là tốt cho ngân hàng?

(PLO) - Nhiều gói kích cầu hấp dẫn được các ngân hàng đưa ra để kích cầu tín dụng, nhưng với khoảng cách khá xa, “cuộc đua” về đích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% dường như là bất khả thi đối với hệ thống ngân hàng trong năm nay. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên môn, có khi không về đích chỉ tiêu lại là một điều tốt cho ngân hàng.
Gõ từng nhà, rà từng người 
Các ngân hàng đang tung ra nhiều chương trình ưu đãi trong nỗ lực tìm kiếm, khai thác các hợp đồng lớn nhỏ nhằm đảm bảo mục tiêu tín dụng năm 2013. Bên cạnh những khách hàng lớn, các ngân hàng cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi để tiếp cận khách hàng lẻ, cá nhân với hợp đồng tín dụng nhỏ - vốn là phân khúc mà các ngân hàng lớn không mấy để tâm. 
 Nhiều gói kích cầu hấp dẫn được các ngân hàng
 tung ra để “vớt” khách
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang triển khai chương trình “Ưu đãi lãi vay, quà tặng trao ngay” dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, từ ngày 02/12/2013 đến ngày 25/01/2014, khách hàng vay vốn mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, mua xe ô tô, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng sẽ được VPBank ưu đãi lãi suất vay 0%/năm, cố định trong 3 tháng đầu tiên và giá trị khoản vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng/khoản vay. Ngoài ra, đối với khách hàng vay có tài sản bảo đảm, VPBank linh hoạt đưa ra thêm lựa chọn ưu đãi lãi suất vay ưu đãi 6%/năm, cố định trong 6 tháng đầu tiên. 
Ngân hàng Nam Á lại thực hiện phương châm phục vụ tận nơi bằng cách “gõ từng nhà, rà từng người”. Nhân viên ngân hàng này tiếp cận các hộ cá thể qua kênh tổ dân phố, bằng cách tài trợ các chương trình nhỏ của các tổ dân phố rồi xin vào để tiếp cận khách hàng cá nhân. Với đối tượng này, món vay không nhiều, chỉ 5-10 triệu đồng, hoặc nhiều lắm là vài chục triệu để nhập hàng bán Tết. Lãi suất cho vay với đối tượng này trung bình 13-13,5%/năm, ngân hàng cũng có hai hình thức là trả góp hoặc trả một lần vào cuối kỳ nếu vay theo thời vụ. 
Mùa Tết là mùa đẩy mạnh kinh doanh của các tiểu thương và cũng là mùa ngân hàng đẩy mạnh quan tâm đến đối tượng khách hàng này. Vừa qua Sacombank cũng dành 1.000 tỉ đồng cho cá nhân, tiểu thương chợ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.HCM vay để kinh doanh các mặt hàng trong dịp Tết Giáp Ngọ mà không cần thế chấp. 
Trong đó mức vay tối đa cho mỗi tiểu thương lên đến 500 triệu đồng, phương thức trả góp linh hoạt theo ngày/tuần/tháng và được giải ngân cũng như thu nợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh. MB, Oceanbank cũng có các gói ưu đãi cho đối tượng này...
Không dại biến vốn thành nợ xấu
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế về thực trạng “ngã ngựa” chạy đua tín dụng cuối năm. Nếu xét chỉ tiêu tăng trưởng 12% thì ngành ngân hàng còn cách đích khá xa với mới chỉ khoảng gần 8% tăng trưởng đạt được. Ngay cả sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  “bật đèn xanh” bằng Văn bản 7558/NHNN-TD cho phép các ngân hàng thương mại triển khai tín dụng và cấp vốn với doanh nghiệp đang có nợ xấu nếu xét thấy dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh khả thi gần 2 tháng trước, thì nhiều ngân hàng cũng không dám “vung tay”.  Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, không thể trao vốn cho doanh nghiệp đang có nợ xấu, dù đơn vị đó có dự án kinh doanh khả thi.
“Ngân hàng rất khó quyết định trao vốn cho doanh nghiệp vào thời điểm này - Giám đốc một phòng giao dịch Ngân hàng Liên Việt chia sẻ - Bởi chúng tôi khó có thể kiểm soát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh mới “có tính khả thi”, mà lại mang đi trả nợ cũ thì người chết đầu tiên là ngân hàng”. 
Kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành của vị Giám đốc này cho thấy tiền vốn cuối năm rất dễ được đổ vào chi tiêu như trả lương, trả nợ… là những khoản tiền bức xúc, mà nếu không vay được của ngân hàng để chi, doanh nghiệp cũng phải chạy vay nhau.
“Nợ xấu giờ đây luôn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng, vì thế tín dụng không tăng trưởng nhưng ngân hàng thà rằng biết tiền nằm đó còn hơn là “thả gà ra đuổi”. Dễ dàng nhận thấy các ngân hàng không hề muốn hạ chuẩn điều kiện cho vay. Nên dự án có tính khả thi chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để được vay thì bên cạnh tài sản thế chấp và các điều kiện tín dụng, ngân hàng luôn xem xét kỹ yếu tố trả nợ của người vay” – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia tài chính độc lập nhận định.
Ông Vinh cũng cho rằng, ngân hàng không phải chạy đua đạt chỉ tiêu bằng mọi cách, vì chỉ tiêu tín dụng tăng trưởng kém cũng phản ánh thực trạng phục hồi của nền kinh tế. Cốt lõi vẫn là chất lượng tín dụng. Nếu vội vàng lấy thành tích, không cẩn thận ngân hàng lại lún sâu hơn nữa vào vũng bùn nợ xấu càng ngày càng khó gỡ mà thôi.

Đọc thêm