Khu vực kinh tế tập thể tỉnh Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều nay (10/11), UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lĩnh vực kinh tế tập thể (chủ yếu là Hợp tác xã) của tỉnh Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực: số Hợp tác xã thành lập mới trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng, đa dạng về đối tượng tham gia; quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh được tăng cường.

Hoạt động lĩnh vực kinh tế tập thể, nhất là Hợp tác xã phát triển cả về số lượng, chất lượng, với 188 Hợp tác xã (tăng 132 Hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2001). Số thành viên Hợp tác xã trên 24.000 người (tăng hơn 15.000 thành viên so với thời điểm 31/12/2001). Tổng nguồn vốn và tài sản phục vụ hoạt động của các Hợp tác xã là hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu còn có 520 Tổ hợp tác, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia.

Đặc biệt, nhiều mô hình Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã có hoạt động nổi bật, điển hình, với cách làm mới như: Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) thực hiện liên kết với 5 Hợp tác xã trong cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất. Năm 2020, Hợp tác xã này xuất khẩu trứng Artemia đạt hơn 500.000 USD, tổng doanh thu của Hợp tác xã hơn 25 tỷ đồng.

Hợp tác xã Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu) thực hiện liên kết bao tiêu theo chuỗi khép kín cho thành viên và các hộ dân trong vùng trên 4.000 ha đất trồng lúa, thực hiện các dịch vụ từ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm lúa, đã giúp cho thành viên và nhân dân có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của Hợp tác xã được thể hiện nổi bật, nhất là các Hợp tác xã nông nghiệp; Các Hợp tác xã cũng đã góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các Hợp tác xã đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung khắc phục các hạn chế, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần tạo việc làm, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể ngày càng khẳng định vai trò và vị trí quan trọng đối với xã hội và đời sống nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể của tỉnh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Các Hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đồng đều giữa các lĩnh vực.

Một số ngành kinh tế quan trọng như: Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, ngành nghề nông thôn còn ít Hợp tác xã; Đa số Hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực Hợp tác xã còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường; Không ít Hợp tác xã hoạt động cầm chừng, hoặc ngưng hoạt động (chiếm 14% Hợp tác xã).

Nhiều mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả tốt.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả tốt.

“Thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là trọng tâm để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác-Hợp tác xã, các mô hình hợp tác xã kiểu mới sâu rộng trong Đảng và đến tận quần chúng nhân dân. Củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể các cấp để chỉ đạo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phối hợp xây dựng mô hình Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, chương trình OCOP để nhân rộng, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững. Cùng với đó là rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, từ đó, có biện pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả...” Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đề nghị.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu có khoảng 1.000 tổ hợp tác với 22.000 thành viên; 340 Hợp tác xã với 39.100 thành viên, 6 liên hiệp Hợp tác xã với 25 Hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60%-70% trên tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 20 Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

Đọc thêm