Chi phí kiểm tra gần bằng giá trị lô hàng (!?)
Một DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển. Thậm chí có DN sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản một năm chi phí khoảng 6 tỷ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thuỷ sản (do Nafiquad kiểm tra).
Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Căn cứ số liệu của Hải quan TP HCM về số lượng tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành, cùng với khảo sát và phản ánh của DN năm 2015 và 2016 (mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai, đối với kiểm dịch là 1 triệu đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng), các chuyên viên của Bộ KH&ĐT dự tính tổng số chi phí cho việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành riêng đối với hàng hoá nhập khẩu làm thủ tục tại hải quan TP HCM năm 2015 khoảng hơn 1.136,5 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự; chi phí tiền vay; chi phí lưu kho bãi; chi phí lao động, ngày công và các chi phí cơ hội khác.
Từ con số của TP HCM, tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở tất cả các đơn vị hải quan còn lại tối thiểu bằng 50% của TP HCM, tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành trên (kiểm dịch, kiểm tra an toán thực phẩm, kiểm tra chất lượng) trong cả nước là khoảng 1704.75 tỷ đồng/năm 2015. Đó là chưa kể đối với hàng hoá Nhóm 2 còn phải làm thủ tục hợp quy với chi phí còn lớn hơn chi phí kiểm tra.
Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước trong khi chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cao, trung bình chiếm 30% tổng số lô hàng. Tỷ lệ này còn cao hơn ở các cửa khẩu lớn (tại Hải quan TP HCM là 35%, Bình Định 31%,...), và không giảm so với năm trước. Số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên thực tế là rất lớn.
Thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng chưa có sự cải thiện, như tại Hải quan Cần Thơ là 13,6 ngày (chiếm 78%); Đà Nẵng 19 ngày; Bình Định 18 ngày. Một số mặt hàng kiểm tra chất lượng có thời gian kiểm tra dài hơn nhiều như: thiết bị y tế 40 ngày; kiểm tra hiệu suất năng lượng 43 ngày; kiểm tra chất lượng xe cứu hoả, cứu thương 79 ngày...
Doanh nghiệp vẫn bị hành
Không chỉ mất thời gian, tiền bạc cho kiểm tra chuyên ngành, các quy định, thủ tục liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT là “chưa có chuyển biến đáng kể” vẫn đang gây bức xúc trong DN.
Đơn cử, như liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương), theo phản ánh của các DN, DN gửi hồ sơ qua bưu điện thì không trả lời; gửi hồ sơ trực tiếp không có phiếu hẹn ngày trả kết quả, thậm chí không ký nhận; DN thường phải sử dụng hình thức qua trung gian hoặc trả chi phí không chính thức (!?). DN cũng thường xuyên gặp khó khăn nếu trực tiếp thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; trong khi vẫn hồ sơ đó nếu qua trung gian thì thực hiện được ngay (!?)
Trong nhiều trường hợp, số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định hạn chế, dẫn tới tình trạng độc quyền, quá tải cho các tổ chức này, đồng thời ảnh hưởng tới thời gian, chi phí thông quan hàng hóa và cơ hội kinh doanh của DN. Có mặt hàng, Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định duy nhất 01 tổ chức đánh giá sự phù hợp, không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đã đề ra trong Nghị quyết; gây khó khăn, tốn kém và bức xúc cho DN.
Đơn cử trường hợp Bộ Công Thương chỉ định duy nhất Quantest 1 (tại Hà Nội) thực hiện thử nghiệm động cơ, khiến cho các DN nhập khẩu động cơ trên cả nước phải vận chuyển những mặt hàng này về Quantest 1 để thử nghiệm với chi phí vận chuyển rất cao (nhất là các DN nhập khẩu ở phía Nam) và thời gian kéo dài, chưa tính đến chi phí kiểm thử nghiệm.
Mặc dù là tổ chức duy nhất được chỉ định nhưng có trường hợp, Phiếu kết quả thử nghiệm lại do một đơn vị khác (không phải tổ chức được chỉ định) ban hành, như trường hợp mặt hàng động cơ được Bộ Công Thương chỉ định duy nhất cho Quantest 1 thử nghiệm, song khi DN nhận Phiếu Kết quả thử nghiệm thì lại do một đơn vị khác xác nhận và đóng dấu, mà đơn vị xác nhận và đóng dấu là Công ty Việt – Hung có công nghệ lạc hậu hơn nhiều so với công nghệ của các động cơ hiện nay (!?).
Thậm chí, có hàng hóa (thiết bị) nhập khẩu từ các nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới với công nghệ hiện đại, nhưng vẫn phải thực hiện yêu cầu thử nghiệm (!?).
Đáng chú ý là Cổng thông tin một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động, đến nay đã có 10 Bộ tham gia thực hiện kết nối 31/khoảng 100 thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng đa số là các thủ tục không phổ biến (Ví dụ Bộ Công Thương tham gia kết nối 5 thủ tục, nhưng trong đó 4 thủ tục rất ít DN thực hiện). Tương tự, với 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung được mở ra nhằm tạo thuận lợi cho DN thông quan hàng hoá, nhưng đến nay các địa điểm này vẫn chưa phát huy tác dụng như mục tiêu đề ra ban đầu.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhưng mới chỉ có 3 Bộ (gồm Tài chính, NN&PTNT, GTVT) chủ động triển khai thực hiện, còn lại các bộ về cơ bản chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ hết sức quan trọng này...